Tắt sóng 2G - thúc đẩy chuyển đổi số
Xe++ - Ngày đăng : 07:15, 24/10/2020
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), ước tính cả nước có khoảng 87 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), trong đó có 68,6 triệu là thuê bao dữ liệu - còn gọi là thuê bao 3G, 4G (tính đến hết tháng 9-2020). Số lượng máy 2G ước còn khoảng 24 triệu thuê bao.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chương trình phổ cập smartphone tới 100% dân số được thực hiện thông qua việc sản xuất điện thoại với giá chỉ 45-50 USD (khoảng 1.100.000-1.200.000 đồng), nhưng bán đến tay người dân chỉ khoảng 500.000 đồng (khoảng 20 USD). Để có mức giá này, các nhà mạng trong nước; các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy và các nhà sản xuất smartphone sẽ bù giá, trợ giá...
Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, cuối năm 2019, lượng thuê bao 2G là 30 triệu, nửa đầu năm 2020 chỉ còn 24 triệu máy 2G, cho thấy lượng thuê bao 2G giảm mạnh. Đến đầu năm 2022, lượng thuê bao 2G sẽ giảm mạnh hơn nữa. Hơn nữa, thông tin về việc tắt sóng 2G cũng sẽ là một định hướng giúp khách hàng lựa chọn sử dụng điện thoại.
Được biết, thời gian qua cả ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng mạng 4G với quy mô rộng lớn trên toàn quốc. Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, để chuẩn bị cho dừng công nghệ cũ, VNPT triển khai công nghệ thoại 4G VoLTE trên mạng lưới để bảo đảm chất lượng thoại cho khách hàng. Còn ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ, Viettel đưa ra các gói cước đa dạng, đồng thời có chiến lược chuyển đổi số với các lĩnh vực nội dung số, thanh toán số…
Về khả năng hỗ trợ từ phía các nhà mạng cho thuê bao 2G chuyển sang dùng smartphone, đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) đều cho biết, việc các nhà mạng hỗ trợ 10 USD/điện thoại là hoàn toàn khả thi. Vì đó cũng là cách mà nhà mạng đầu tư thông qua hình thức khách hàng mua máy kèm gói cước dữ liệu 3G, 4G giá rẻ có cam kết thời gian sử dụng để phát triển thuê bao dữ liệu.
Cũng theo ông Tào Đức Thắng, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên kêu gọi sự vào cuộc của các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như Grab, Shopee… hỗ trợ người dùng chuyển đổi sang smartphone.
Về việc này, ông Hoàng Minh Cường cho biết, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã xây dựng quy chuẩn tích hợp, bắt buộc điện thoại nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp các công nghệ 3G, 4G, 5G mới được bán trên thị trường. Ngoài ra, sẽ xây dựng quy định sử dụng nguồn tiền từ Quỹ Viễn thông công ích, bố trí kinh phí chuyển đổi máy đầu cuối cho người dân.
Thực tế trên cho thấy, cơ quan quản lý và các nhà mạng đã sẵn sàng cho việc dừng công nghệ di động 2G. Việc giải phóng băng tần sẽ giúp các nhà mạng tiết kiệm chi phí vận hành, tập trung cho phát triển dịch vụ mới, giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, công dân số phục vụ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.