Thanh toán không dùng tiền mặt giúp thay đổi hành vi tiêu dùng

Xã hội - Ngày đăng : 06:13, 25/10/2020

(HNM) - Thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống. Hà Nội là một trong những địa phương chú trọng thúc đẩy hoạt động này nhằm góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng hiện đại. Tới đây, thành phố sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện hưởng ứng “Ngày không dùng tiền mặt” gắn với Tháng khuyến mại tập trung Hà Nội năm 2020 (diễn ra từ ngày 30-10 đến 30-11). Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội để làm rõ hơn vấn đề này.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan. Ảnh: Thùy Linh

Nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

- Ngày 23-2-2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND triển khai Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn giai đoạn 2018-2020. Bà có thể cho biết kết quả của việc triển khai kế hoạch này?

- Thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND, thời gian qua, việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố đã được đẩy mạnh. Điển hình là việc thanh toán điện tử trong dịch vụ công trực tuyến như thu thuế, hải quan, tiền điện, nước, học phí, viện phí, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội...

Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp thanh toán điện tử hiện đại như ví điện tử; hệ thống chuyển mạch thẻ cho phép chủ thẻ của một ngân hàng có thể thanh toán tại hầu hết điểm thanh toán của các ngân hàng khác; thanh toán qua internet banking, mobile banking, thanh toán qua mã QR-Pay... Ðến nay, trên địa bàn Hà Nội có tổng số 2.881 máy giao dịch tự động ATM, hơn 86.000 máy chấp nhận thẻ thanh toán (POS) được lắp đặt tại gần 53.000 điểm chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành. Đặc biệt, mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán, thanh toán mã QR-Pay được mở rộng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen sang thanh toán không dùng tiền mặt...

- Vậy, bà đánh giá thế nào về hiệu quả của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt?

- Với hình thức thanh toán online (trực tuyến), khách hàng chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể mua sắm, sử dụng dịch vụ cần thiết vào bất cứ thời gian nào. Một thuận tiện nữa là nhiều dịch vụ thanh toán thường xuyên với giá trị không quá lớn, như thanh toán tiền điện, nước, truyền hình cáp, internet… được thực hiện ngay trên điện thoại di động, mà không cần phải ra ngân hàng hay các điểm thu nộp tiền. Có thể thấy rõ, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng hiện đại, tiện lợi hơn.

- Song, vẫn có ý kiến lo ngại về mức độ an toàn của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Bà nghĩ sao về việc này?

- Một trong những ưu điểm của việc thanh toán không dùng tiền mặt là tính an toàn, tiện lợi. Tuy nhiên, thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đối mặt với một số rủi ro như lỗi kỹ thuật, tội phạm mạng. Hiện, các cơ quan quản lý đang yêu cầu tăng cường hoàn thiện cả về kỹ thuật, rà soát quy định để giúp bảo đảm an toàn hơn cho việc thanh toán không dùng tiền mặt.

- Không thể phủ nhận những tiện ích mà phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại, song thực tế một lượng lớn khách hàng vẫn chưa sẵn sàng để tiếp cận hình thức thanh toán này. Vậy, nguyên nhân do đâu, thưa bà?

- Hiện nay, phần lớn người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, do có nhiều khoản chi tiêu hằng ngày tại nhiều địa điểm, nên sẽ bất tiện khi phải sử dụng các phương tiện thanh toán khác nhau… Một nguyên nhân nữa là hiện mới có một bộ phận người dân ở khu vực đô thị tiếp cận được thông tin và trải nghiệm những tiện ích của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

- Đối với doanh nghiệp, mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích, nhưng tại sao còn không ít doanh nghiệp ngại sử dụng hình thức này?

- Việc các doanh nghiệp phải trả phí thanh toán qua POS đã khiến cho họ không mấy mặn mà với hình thức thanh toán này. Ngoài ra, còn một bộ phận doanh nghiệp, người kinh doanh nhỏ ngại sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, bởi làm như vậy sẽ buộc phải minh bạch, không giấu được doanh thu…

Phát triển thêm hình thức thanh toán hiện đại

- Để khắc phục những hạn chế hiện nay, UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành liên quan sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa bà? 

- Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng cần phát triển thêm các hình thức thanh toán hiện đại, đặc biệt là hình thức di động để phục vụ cho các khoản thanh toán nhỏ lẻ của người dân. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng cần giảm phí xuống mức hợp lý để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Về phía thành phố Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 2912/UBND-KT (ngày 7-7-2020) về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử và kinh tế số trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các hoạt động của mình.

- Xin bà cho biết mục tiêu trước mắt của ngành Công Thương Hà Nội trong lĩnh vực này và những giải pháp để thực hiện?

- Sở Công Thương đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020 có 80% đến 100% siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng…

Để đạt mục tiêu này, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về ứng dụng thương mại điện tử với các chuyên đề chuyên sâu về thanh toán không dùng tiền mặt cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng cũng như an toàn bảo mật trong thanh toán đến người dân, doanh nghiệp… Sở cũng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các chương trình mua sắm trực tuyến, đưa mua sắm trực tuyến trở thành hình thức phổ biến, từng bước thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

- Sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt” sẽ được tổ chức trong tháng 11 tới. Bà có thể thông tin thêm về sự kiện này?

- UBND thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi các sự kiện hưởng ứng “Ngày không dùng tiền mặt” gắn với Tháng khuyến mại tập trung Hà Nội năm 2020 (diễn ra từ ngày 30-10 đến 30-11). Đây là giải pháp kích cầu nội địa, thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi thương mại gắn với chống gian lận, chống thất thu thuế trên địa bàn toàn thành phố.

Tham gia sự kiện có các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh; các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy, cửa hàng tự chọn, cửa hàng chuyên doanh; hệ thống các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử...

Các sự kiện giới thiệu về thanh toán không dùng tiền mặt được tổ chức đồng thời trong “Ngày vàng khuyến mại”. Nhiều chương trình khuyến mại cho người tiêu dùng khi thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai (dự kiến khoảng 2.000 điểm khuyến mãi), cùng với đó là hoạt động truyền thông về “Ngày không dùng tiền mặt”. Đây là cơ hội đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc không sử dụng tiền mặt tới đông đảo người dân Thủ đô một cách thiết thực, hiệu quả, dần tạo thói quen giao dịch minh bạch và mua sắm an toàn, văn minh.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Hiền - Hương