Coi trọng mặt bằng chung
Thể thao - Ngày đăng : 05:11, 25/10/2020
Kể từ khi bóng chuyền Việt Nam “lên chuyên” vào năm 2004, công tác đào tạo trẻ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhiều câu lạc bộ (CLB) muốn có thành tích nhanh chóng nên tìm cách mua vận động viên (VĐV) đã thành danh, thuê ngoại binh thay vì đầu tư xứng đáng cho công tác đào tạo trẻ. Có nhiều nơi đi theo hướng này thì tất yếu lực lượng kế cận của các CLB và đội tuyển quốc gia mỏng đi, lứa trẻ tiềm năng cũng bị hạn chế về cơ hội thi đấu, cọ xát... Bởi thế, cần nhắc lại rằng, hai giải đấu dành cho VĐV trẻ nói trên thực sự là điều tốt.
Tuy nhiên, về đào tạo trẻ, hiện vẫn có nhiều điều làm người yêu bóng chuyền băn khoăn, trong đó, đáng kể nhất là chất lượng công tác này ở các CLB không có sự đồng đều. Ngoài một số tên tuổi như Thông tin - LienViet PostBank, Thể Công, VTV - Bình Điền Long An..., mô hình đào tạo trẻ ở nhiều CLB chưa thực sự tốt.
Ở Giải Bóng chuyền Cúp các CLB trẻ năm 2020 vừa kết thúc vào ngày 17-10 với sự tham gia của 10 đội nam và 10 đội nữ, Ban Tổ chức cho phép các đội “mượn” tối đa 2 người từ nơi khác, bổ sung tối đa 2 VĐV quá tuổi so với điều lệ. Một số tận dụng quy định này để nâng chất lượng đội hình, nhưng những CLB có truyền thống về đào tạo trẻ lại không cần điều đó, chỉ sử dụng “cây nhà lá vườn” mà vẫn dễ dàng giành thứ hạng cao. Điều đó cho thấy mặt bằng chung về đào tạo trẻ không có sự đồng đều, tính cạnh tranh trong lứa trẻ không cao, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển chung của bóng chuyền Việt Nam.
Với thể thao chuyên nghiệp, “có đỉnh” là tốt, nhưng “đỉnh” đó cần được hình thành trên nền vững chắc. Nói một cách khác, công tác đào tạo trẻ cần được thực hiện một cách bài bản ở mọi CLB, trung tâm đào tạo, để bóng chuyền Việt Nam có được sự phát triển ổn định.