Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Điều chỉnh để thích ứng
Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 26/10/2020
Dạy nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh cho biết, cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, dịch vụ, đòi hỏi phải có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu của những công việc mới hình thành. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, mỗi năm, huyện Đông Anh sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.800-2.000 người; từng bước đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 94%… Quan trọng nhất là sau đào tạo nghề, người học nghề phải có việc, đáp ứng được nhu cầu lao động của thị trường.
Tại huyện Quốc Oai, ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện nhấn mạnh, các địa phương trên địa bàn chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được lao động có việc làm và thu nhập cao hơn sau đào tạo. Từ đó, Quốc Oai triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đặt hàng của doanh nghiệp, nhu cầu phát triển của làng nghề và yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết bao tiêu sản phẩm. Theo hướng này, 100% lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề, hàng nghìn lao động đã chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp…
Là địa phương có nhiều làng nghề, khu công nghiệp, các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ phối hợp trực tiếp với các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Kinh phí đào tạo chủ yếu do các đơn vị sử dụng lao động đầu tư. Cách làm này vừa giảm chi phí đào tạo cho ngân sách, vừa giúp người lao động được học đi đôi với hành, bảo đảm chắc chắn có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tham gia học nghề mây tre đan, chị Phạm Thị Hoa, thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cho hay: “Trong quá trình học nghề, chúng tôi vừa học lý thuyết, vừa thực hành tại cơ sở sản xuất, tạo ra sản phẩm, nên học viên được trả lương theo năng suất lao động. Vì thế, ai cũng vui vẻ, có trách nhiệm với việc học nghề”.
Tiếp tục đồng hành với người lao động
Ngoài sự chủ động của các địa phương, các sở, ngành của thành phố cũng khảo sát, nghiên cứu để đề xuất những giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới.
Phụ trách việc triển khai đào tạo các nghề nông nghiệp, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã quán triệt các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của người học và nguồn tiêu thụ đầu ra. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2021-2025, các địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội đề xuất tiếp tục đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 70.000 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tối thiểu 80%... Những nghề ưu tiên đào tạo thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị… “Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới sẽ không tách rời chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong giai đoạn mới”, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối cả nước thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Trường hợp đề án dừng lại thì Sở sẽ tham mưu, đề xuất thành phố ban hành chính sách khác thay thế phù hợp, bảo đảm cho người lao động nông thôn có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, tay nghề. Chẳng hạn, nguồn lực hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn có thể chuyển sang để tập trung phát triển chương trình khuyến công, khuyến nông.
Cũng theo bà Nguyễn Thanh Nhàn, nếu đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục triển khai, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức đào tạo nghề trong giai đoạn mới trình UBND thành phố phê duyệt theo hướng phù hợp với nhu cầu của người học, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết chặt chẽ với thị trường việc làm… Để có căn cứ xây dựng chính sách, hiện nay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương đề nghị đóng góp ý kiến về nội dung, chương trình đào tạo, cách thức tổ chức, định mức hỗ trợ; nghề nào cần đưa ra khỏi danh mục đào tạo, nghề nào cần bổ sung…