Khởi xướng điều tra 20 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 18:00, 27/10/2020
Theo ông Lê Triệu Dũng, phòng vệ thương mại là biện pháp hợp pháp được phép sử dụng để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trước tình trạng gia tăng hàng hóa nhập khẩu. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và thực thi 13 hiệp định thương mại, trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới; mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác. Điều này giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn, song cũng khiến sức ép cạnh tranh giữa các ngành sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu gia tăng.
Đánh giá về những khó khăn đặt ra đối với nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, các ngành hàng của Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và coi đây là cơ hội tốt để nâng cao năng lực. Trong bối cảnh dịch Covid-19, phòng vệ thương mại càng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước.
Trước tình trạng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại từ nhiều thị trường, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa nước ngoài đã góp phần bảo vệ các ngành sản xuất, với khoảng 6% GDP năm 2019, bảo vệ gần 150.000 việc làm. Trong đó, một số ngành như thép, nhôm, phân bón… nếu không sử dụng công cụ phòng vệ, để phụ thuộc hàng nhập khẩu thì rất rủi ro. Bộ cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện; cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra.
Nhờ đó, Việt Nam đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc; bảo đảm nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ việc ra cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.
Tuy nhiên, các diễn giả và các doanh nghiệp tham gia hội thảo đều thừa nhận, lâu nay, doanh nghiệp và các hiệp hội chưa thực sự biết cách vận dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình. Từ thực tế trên, ông Vũ Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Điều tra chống bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã chia sẻ những điều doanh nghiệp cần biết để bảo đảm lợi ích trong các vụ kiện; những lời khuyên với các nhóm doanh nghiệp đi kiện và nhóm bị kiện hay nhóm có lợi ích liên quan trong từng bước cơ bản của vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam...