Bắc Kạn phát huy lợi thế lớn về tài nguyên, trồng và bảo vệ rừng
Chính trị - Ngày đăng : 15:16, 27/10/2020
Dự Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại biểu lão thành cách mạng; nguyên lãnh đạo tỉnh; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động và 345 đại biểu đại diện cho đảng viên của Đảng bộ tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương những thành tích Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đạt được trong nhiệm kỳ qua. Trong 55 chỉ tiêu đề ra của nhiệm kỳ 2015-2020, Bắc Kạn đã đạt và vượt 40 chỉ tiêu. Tỉnh thực hiện tốt công tác trồng rừng và là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tỷ lệ đảng viên chiếm hơn 10% dân số. Tuy nhiên, việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh còn đạt thấp.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Bắc Kạn có những lợi thế lớn về tài nguyên rừng, bình quân mỗi người dân có hơn 1,5ha đất và đất rừng trong khi tiềm năng về thị trường tiêu thụ nông lâm sản, nhất là sản phẩm gỗ và rau, củ, quả còn rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy được tiềm năng, thế mạnh này hiệu quả nhất.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, nghiên cứu để làm rõ mô hình kinh tế nào là chủ đạo của tỉnh trong thời gian tới. Đồng chí gợi mở, hiện tại kinh tế hợp tác xã của tỉnh còn ít, chủ yếu là kinh tế hộ cá thể. Do đó, tỉnh cần có quyết tâm chính trị đưa các hộ kinh tế cá thể phát triển lên thành các hợp tác xã, coi đây là cuộc cách mạng tại chỗ. Để làm được điều đó, Bắc Kạn cần khắc phục khó khăn về nhận thức, tăng cường tham khảo, học tập kinh nghiệm các nơi; tăng số lượng các hợp tác xã gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng các hợp tác xã đoàn kết, liên kết chặt chẽ. Tỉnh xác định trong lĩnh vực kinh tế cần chọn nông, lâm nghiệp là lĩnh vực đột phá.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Bắc Kạn tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử cách mạng gắn với an toàn khu Chợ Đồn. Trong công tác xây dựng Đảng, tỉnh hết sức lưu tâm việc lắng nghe người dân để hiểu tâm tư, nguyện vọng, từ đó giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí gợi ý Bắc Kạn nên chọn 1.000 đảng viên tiêu biểu ở các địa phương đưa đi học tập để quay về làm hạt nhân xây dựng các hợp tác xã ở địa phương, bởi khi các hợp tác xã mạnh thì các chính sách của tỉnh mới đi vào cuộc sống hiệu quả nhất.
Theo Báo cáo chính trị do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh trình bày tại Đại hội, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, kinh tế của Bắc Kạn duy trì đà tăng trưởng khá; nông, lâm nghiệp chuyển dần sang sản xuất hàng hóa; thương mại, dịch vụ có bước phát triển; kết cấu hạ tầng được tăng cường; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; công tác xây dựng Đảng, chính quyền được chú trọng, đạt nhiều thành tựu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 đạt 5,3%/năm; GRDP đến năm 2020 ước đạt hơn 12.800 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 40 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp.
Sản xuất nông, lâm nghiệp tăng trưởng bình quân 2,4%/năm; sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt hơn 178 nghìn tấn/năm, bình quân lương thực đầu người đạt 560 kg/người/năm. Tỉnh trồng mới hơn 32.000ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,6%. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 11,3 tiêu chí; có 130 sản phẩm được công nhận và cấp sao sản phẩm OCOP. Cùng với đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, chuyển biến tích cực; tổ chức bộ máy từng bước được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Bắc Kạn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 62 triệu đồng. Sản lượng lương thực bình quân đầu người duy trì 500 kg/người/năm; diện tích trồng rừng bình quân/năm đạt 3.500ha (trồng lại rừng sau khai thác và cây phân tán); duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%. Tỉnh cũng phấn đấu tới năm 2025, xây dựng thành phố Bắc Kạn trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II; có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 41 xã), trong đó có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân mỗi xã đạt trên 13 tiêu chí. Đến năm 2025, có 200 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao; trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao.
Tới năm 2025, Bắc Kạn phấn đấu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung hoàn thành quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn và đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là khai thác du lịch hồ Ba Bể. Tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân đạt 11,5%, đến năm 2025 đạt 11.200 tỷ đồng; xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân 10%/năm…
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn diễn ra đến hết ngày 28-10.