Đòn bẩy giúp người lao động vượt khó
Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 28/10/2020
Báo Hànộimới ghi nhận được nhiều ý kiến bày tỏ phấn khởi trước chính sách nhân văn, thật sự là đòn bẩy giúp người lao động vượt khó.
Ông Trần Trí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất bao bì, số 135 phố Trường Lâm, phường Đức Giang (quận Long Biên):
Thể hiện rõ nhất tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trên thực tế, những hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP đã góp phần giải cứu một số khu vực kinh tế và hỗ trợ hàng chục nghìn đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch vươn lên trong cuộc sống.
Trong quá trình triển khai, nhận thấy vẫn còn những đối tượng, doanh nghiệp chưa được hỗ trợ hoặc hỗ trợ chưa hiệu quả, Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh và bổ sung. Hiện nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch và diễn biến phức tạp của thiên tai, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP chắc chắn sẽ trợ giúp tối đa cho người lao động và người sử dụng lao động, qua đó thể hiện rõ nhất tinh thần: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Đặng Ngọc Trâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình):
Triển khai sớm để giáo viên được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định
Lâu nay, mọi khoản chi tiêu của nhà trường đều phụ thuộc vào khoản thu duy nhất là học phí. Song, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, nhà trường không thu học phí, đồng nghĩa với 70 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường không được trả lương từ tháng 1 đến tháng 4-2020, nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Thấu hiểu dịch bệnh sẽ gây ra khó khăn chung, toàn thể giáo viên, nhân viên trong trường đều tự lực tìm cách tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến với nghề.
Khi biết tin Chính phủ ban hành nghị quyết mới mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19, hỗ trợ cho người lao động tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giáo viên, nhân viên trong trường rất phấn khởi. Rất mong chính sách này triển khai sớm để giúp giáo viên vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống.
Bà Phan Thị Thanh, Chủ nhóm lớp mầm non tư thục Ban Mai, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm):
Giúp người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn
Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, cuộc sống của giáo viên trong nhóm lớp mầm non tư thục Ban Mai trở nên chật vật hơn trước rất nhiều. Là chủ cơ sở, chúng tôi cũng rất vất vả vì không có nguồn thu.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP trong đó có nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên vay trả lương ngừng việc cho người lao động khiến chúng tôi rất mừng. Theo đó, người sử dụng lao động có doanh thu quý I-2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV-2019... sẽ được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12-2020 theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất vay 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Chính sách nhân văn này sẽ giúp người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì cơ sở hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy):
Chất xúc tác giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh
Bên cạnh việc mở rộng đối tượng hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Nghị quyết số 154/NQ-CP cũng sửa đổi nội dung hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất. Theo đó, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 3 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng đây sẽ là chất xúc tác giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.