Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh: Động lực để phát triển bền vững

Chính trị - Ngày đăng : 07:51, 28/10/2020

(HNM) - Dự kiến các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn đề án và nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Người dân và chính quyền thành phố mang tên Bác đang kỳ vọng, đề án và nghị quyết sẽ tạo động lực để thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng mô hình chính quyền đô thị sẽ tạo động lực để thành phố phát triển xứng tầm trong thời gian tới.

Thời điểm chín muồi

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, hiện có hơn 9 triệu dân, đóng góp gần 1/4 tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Với quy mô kinh tế, cường độ hoạt động kinh tế và nhiều mặt lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp nhanh, kịp thời và đồng bộ. Việc này đòi hỏi phải tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả.

Trên thực tế, vấn đề này không phải bây giờ mới đặt ra mà thành phố Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm thí điểm thành công việc không tổ chức HĐND ở tất cả quận, huyện, phường trên địa bàn thành phố (từ năm 2009 đến 2016). Đánh giá gần 7 năm thực hiện thí điểm đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: Tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền nhà nước... Vì vậy, đây được xem là thời điểm chín muồi thực hiện chính quyền đô thị.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ có mô hình chính quyền đô thị mới tạo điều kiện để thành phố Hồ Chí Minh - một siêu đô thị, đầu tàu kinh tế cả nước phát triển nhanh và bền vững hơn. “Mô hình chính quyền khu vực đô thị ở cấp thành phố vẫn có HĐND và UBND. Ở quận, phường chỉ có UBND thực hiện quản lý hành chính, như cánh tay nối dài của cấp thành phố về quản lý địa phương, cơ sở”, bà Phạm Phương Thảo nói.

Là một địa phương từng thí điểm không tổ chức HĐND từ năm 2011 đến năm 2016, cán bộ UBND phường Tân Định (quận 1) đã kiêm nhiệm công việc của cán bộ HĐND. Chức năng giám sát hoạt động của UBND được chuyển sang Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể của phường. Bà Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Tân Định, cho biết: "Thí điểm không tổ chức HĐND tại phường, tôi thấy mọi việc được tinh gọn hơn, chặt chẽ hơn và công việc đạt hiệu quả hơn".

Kỳ vọng sự chuyển động của mô hình mới

Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh theo đề án và nghị quyết của Quốc hội nhằm tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền thành phố...

Theo Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh, khác với Hà Nội và Đà Nẵng (thực hiện thí điểm chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2020), thành phố Hồ Chí Minh sẽ không có việc “thí điểm” chính quyền đô thị, bởi khi Quốc hội thông qua đề án này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Theo đó, Quốc hội có thể quyết định việc không thành lập HĐND cấp quận, phường.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố không chỉ bao gồm quy định tổ chức bộ máy chính quyền địa phương có tính đặc thù ở đô thị lớn, mà có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính để làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, theo tinh thần Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, việc thực hiện chính quyền đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh mang tính đồng bộ, toàn diện hơn.

Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng không chỉ ở việc thay "chiếc áo đã quá chật" mà còn gắn với đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử...

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đều mong muốn khi đề án và nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh được kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV thông qua sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ để thành phố thực hiện các “chương trình đột phá”, phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới.

Phương Nam