Đừng để ''được'' tiếng ảo, ''hưởng'' phạt thật!

Góc nhìn - Ngày đăng : 16:08, 29/10/2020

(HNMCT) - Trận mưa lũ, sạt lở đất ở một số tỉnh miền Trung vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân khu vực trực tiếp bị ảnh hưởng. Công tác khắc phục hậu quả vẫn đang được khẩn trương tiến hành để sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Và cũng giống như những đợt thiên tai, bão lũ khác, một lần nữa tinh thần đoàn kết, truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc lập tức lại bùng lên thông qua hàng loạt hoạt động thiện nguyện diễn ra trên cả nước để hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai.

Thế nhưng, bên cạnh đa số người thực lòng thiện tâm, vẫn có những kẻ lợi dụng nỗi đau, mất mát này để tranh thủ “đánh bóng” bản thân, “câu view”, thậm chí mưu đồ gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong lúc điện bị cắt, hệ thống giao thông cũng bị chia cắt, việc tiếp cận khu vực bị thiệt hại bởi thiên tai rất khó khăn, các lực lượng chức năng tập trung dồn sức cho công tác cứu hộ, cứu nạn nên thông tin, nhất là những hình ảnh từ hiện trường không nhiều. Vậy mà có những tài khoản mạng xã hội đã khai thác những tấm ảnh từ nước ngoài có nội dung rất bi thảm như “người mẹ che cho con rồi chết trong bùn” hay “cháu bé bị bùn đất phủ kín người”… để phao tin nhảm kèm theo những trách móc, phê phán chính quyền, cơ quan chức năng.

Tất nhiên, những thông tin, hình ảnh “fake” đó lập tức bị bóc mẽ, nhưng không ít người cả tin, “tay nhanh hơn não” đã "like”, “comment”, chia sẻ mà chẳng biết đúng sai. Rồi thông tin cơn bão số 8 là “siêu bão” cấp 17 sẽ đi vào miền Trung (!) lan truyền trên mạng xã hội, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã lập tức lên tiếng khẳng định đây là hoang tin, hoàn toàn không có cơ sở và thực tế sau đó bão số 8 khi đổ bộ vào nước ta cũng không có “uy lực” ghê gớm như… tin đồn!

Dẫu vậy, những thông tin giả, tin thất thiệt cũng khiến không chỉ người dân vùng trực tiếp chịu ảnh hưởng của thiên tai mà nhân dân cả nước thêm hoang mang, lo lắng. Kẻ tung tin giả đương nhiên đáng trách và sẽ bị xử lý nghiêm, nhưng những người cả tin, “tay nhanh hơn não” đã vô tình tiếp tay chia sẻ thông tin đó cũng đáng bị lên án. Họ chỉ ngồi một chỗ, thực hiện một hành vi đơn giản là chia sẻ thông tin thiếu căn cứ khiến tình hình thêm rối rắm, làm các cơ quan chức năng vốn đang phải tập trung cho công việc chính của mình bị phân tâm, lo lắng. 

Những hành vi sai trái, làm rối tình hình đó đều đã, đang và sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc. Mới đây, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Bình đã phạt hai cá nhân đưa tin không đúng về tình hình lũ lụt ở huyện Lệ Thủy. “Giang hồ mạng” Huấn Hoa Hồng cũng đã bị cơ quan chức năng mời lên làm việc do cắt ghép phóng sự về công tác từ thiện của Đài Truyền hình Việt Nam rồi đăng trên tài khoản cá nhân để “làm màu”… Cũng như những cá nhân vi phạm khác, chắc hẳn Huấn Hoa Hồng sẽ phải nhận mức phạt thích đáng.

Chuyện tuy không mới nhưng một lần nữa cho thấy tính hai mặt rất rõ của mạng xã hội. Và để không bị những thông tin giả, tin thất thiệt, thiếu căn cứ “dắt mũi”, có thể dẫn đến bị xử phạt, mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Thông tin trên mạng xã hội cần được tiếp nhận, phân tích kỹ lưỡng thay vì ào ào, cảm tính hoặc a dua chia sẻ. Khi thấy thông tin bất thường, cần kiểm tra các nguồn thông tin chính thống trên báo chí hoặc từ cổng thông tin chính thức của các cơ quan chức năng.

Đừng để “tay nhanh hơn não”, rồi “được" tiếng ảo, "hưởng" phạt thật!

Mai Lâm