Ngành Giáo dục Thủ đô: Tiên phong trong chuyển đổi số

Giáo dục - Ngày đăng : 07:37, 29/10/2020

(HNM) - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia là một trong những mục tiêu được Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra. Để đạt mục tiêu này, ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm đi tiên phong trong chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn.

Ngành Giáo dục Hà Nội đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy, học và kiểm tra, đánh giá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô. Ảnh: Quang Thái

Công nghệ thông tin hỗ trợ giáo dục

Một trong những chuyển biến rõ nét trong việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Giáo dục Hà Nội thời gian qua là việc áp dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến để tuyển học sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, từ năm học 2016-2017 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được UBND thành phố cho phép triển khai phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến. Nhờ vậy, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh trực tuyến từ hơn 50% ở năm đầu tiên đến nay đã đạt hơn 85%. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong công tác này. Phần mềm tuyển sinh trực tuyến đã giúp cho công tác quản lý tình hình tuyển sinh ở từng nhà trường thuận lợi, minh bạch và công bằng, hạn chế tối đa tiêu cực.

Bà Trần Hoài Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) bày tỏ: “Việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến giúp chúng tôi không còn lo xếp hàng chờ nhận đơn, không lo thiếu chỗ học và có thể làm thủ tục khi đi công tác xa”.

Đặc biệt, để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tinh thần tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, năm học 2019-2020, cùng với cả nước, các trường học ở Hà Nội đã tổ chức dạy học trực tuyến. Tỷ lệ học trực tuyến ở nhiều khối lớp đạt hơn 90%, tiến độ, chất lượng triển khai chương trình được bảo đảm theo kế hoạch.

Nói về việc học trực tuyến, em Lê Hoài Nam, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) chia sẻ: "Việc được tiếp cận nhiều hơn với học tập trên môi trường mạng đã giúp chúng em dần hình thành ý thức, thói quen tự học tập, kỹ năng tìm kiếm, chọn lựa thông tin có ích".

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh đánh giá: Ngoài việc duy trì tốt nền nếp dạy và học, việc dạy học trực tuyến còn thúc đẩy giáo viên tăng cường kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng bài giảng điện tử, tìm kiếm và chia sẻ học liệu điện tử... Những lợi ích này giúp chất lượng dạy học tăng, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay.

Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, quá trình triển khai dạy học trực tuyến cho thấy đây là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục: Giảm thủ tục hành chính và nâng kiến thức, kỹ năng cho nhà giáo, học viên.

Với quyết tâm tiên phong về ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng quá trình chuyển đổi số để nâng chất lượng nguồn nhân lực, ngành Giáo dục Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, năm học 2020-2021, việc tăng cường đầu tư hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin được quận ưu tiên. Ngoài danh mục thiết bị theo quy định, quận đang triển khai lắp đặt ở tất cả các phòng học dành cho học sinh lớp 1 màn hình thông minh và phần mềm dạy học phục vụ việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới với kinh phí gần 12 tỷ đồng. Các khối lớp còn lại cũng được tăng cường đầu tư như lắp đặt máy tính, thiết bị công nghệ hiện đại để học sinh có thể học ngoại ngữ và một số nội dung khác ngay tại lớp học.

Trong khi đó, các trường học ở huyện Đan Phượng được tập trung đầu tư đồng bộ theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng thông tin, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư hạ tầng, huyện chú trọng bồi dưỡng giáo viên về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp đạt hiệu quả thiết thực, tránh hình thức; xây dựng kho học liệu điện tử, từng bước xây dựng trường học điện tử…

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy - học, kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, Sở sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị phát triển hệ thống trường học điện tử, hoàn thiện đề án và tổ chức thí điểm mô hình trường học thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, kho học liệu số của ngành để phát triển hệ thống giáo dục thông minh, đáp ứng yêu cầu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô giai đoạn mới.

Thống Nhất