Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á: Củng cố quan hệ hợp tác chiến lược

Thế giới - Ngày đăng : 07:19, 29/10/2020

(HNM) - Chỉ 2 tuần sau khi kết thúc chuyến thăm Nhật Bản tham dự cuộc họp các Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bắt đầu chuyến công du thứ hai đến châu Á, từ ngày 26 đến 31-10, vẫn với mục tiêu củng cố mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và các nước trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong cuộc gặp chính thức tại New Delhi ngày 26-10.

Mở đầu với Ấn Độ, rồi tới Sri Lanka, Maldives, Indonesia  và mới nhất là Việt Nam, chuyến đi là cơ hội kết nối Washington với các đối tác để thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Giới phân tích cũng nhận định, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cùng tham gia chuyến đi cho thấy hợp tác quốc phòng - an ninh sẽ là khía cạnh quan trọng mà Mỹ muốn thảo luận với một số đối tác trong hành trình lần này.

Nhận định trên được chứng minh ngay khi đoàn tới Ấn Độ, điểm đến đầu tiên và là nơi các quan chức Mỹ gặp gỡ những người đồng cấp Ấn Độ là Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh trong khuôn khổ Đối thoại 2+2 Ấn - Mỹ cấp bộ trưởng lần thứ 3. Phát biểu trong họp báo sau buổi đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar đã khẳng định quyết tâm giải quyết các vấn đề an ninh, bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo cũng bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với Ấn Độ trong các nỗ lực “bảo vệ chủ quyền".

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã chính thức ký Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA) với nội dung trọng tâm là cho phép Ấn Độ tiếp cận dữ liệu chính xác và hình ảnh địa hình từ các vệ tinh quân sự Mỹ. Việc này mở đường cho Mỹ chuyển giao công nghệ tên lửa hiện đại cho Ấn Độ, đồng thời tăng cường năng lực giám sát trên biển, cải thiện độ chính xác của tên lửa và máy bay không người lái do quốc gia đông dân thứ hai thế giới vận hành. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ R.Singh, BECA là tiền đề quan trọng để hai nước tiến tới hợp tác phát triển thiết bị quốc phòng.

Sau Ấn Độ, Ngoại trưởng M.Pompeo thăm chính thức Sri Lanka theo lời mời của Ngoại trưởng nước này Dinesh Gunawardena trước khi tới Maldives. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ đến Sri Lanka trong hơn một thập niên và cũng là lần đầu tiên người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ đến Maldives sau 16 năm. Thực tế này cho thấy, nỗ lực thắt chặt quan hệ đối tác với các nước khu vực Ấn Độ Dương không chỉ còn là kế hoạch chiến lược nằm trên giấy mà đã được Washington hiện thực hóa thành một chính sách ngoại giao thực thụ, được triển khai mạnh mẽ và thực chất với tầm nhìn dài hạn.

Trong những năm qua, quan hệ giữa Sri Lanka và Mỹ dần nồng ấm, trong bối cảnh Sri Lanka muốn đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại. Ngoài ra, tháng 9 năm nay, Mỹ đã ký thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng và an ninh với Maldives, trong đó nêu rõ mục tiêu “duy trì hòa bình và bảo đảm an ninh ở Ấn Độ Dương”. Đây cũng là thông điệp mà Ngoại trưởng Mỹ mang tới Indonesia, nền kinh tế hàng đầu của Đông Nam Á với vị trí địa lý chiến lược trong khu vực.

Hai chuyến đi tới châu Á chỉ trong vòng một tháng của người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ tiếp tục nối dài nỗ lực xây dựng mạng lưới đối tác của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 sẽ diễn ra, chuyến công du của Ngoại trưởng M.Pompeo cũng được xem là sự khẳng định về tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, từ ngày 29 đến 30-10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ thăm chính thức Việt Nam nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao

Hoàng Linh