Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 29/10/2020

(HNM) - Chỉ còn hơn 2 tháng để Hà Nội hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, trong bối cảnh còn không ít khó khăn. Hiện, chính quyền thành phố, các cơ quan, đơn vị đang chủ động tăng tốc giải ngân nguồn vốn quan trọng này, hướng tới hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020.

Hàng loạt giải pháp quan trọng đang được các cấp, ngành của thành phố Hà Nội thực hiện để hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Trong ảnh: Tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và kết nối với đường vành đai 3 đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Viết Thành

Kết quả giải ngân được cải thiện

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 9 tháng năm 2020, Hà Nội đã giải ngân 19.716 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 48,5% kế hoạch. Trong khi cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ này chỉ đạt 34%. Đáng chú ý, còn một số dự án đã có khối lượng hoàn thành và nếu hoàn thiện nhanh các thủ tục thì kết quả giải ngân sẽ tăng thêm khoảng 6,7%. Một số đầu mối có kết quả giải ngân cao như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đạt khoảng 70% (ước tính đến hết tháng 10-2020), quận Long Biên đạt trên 90%, huyện Thanh Trì đạt 76,8% kế hoạch...

Riêng về nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA), tính đến ngày 13-10, giá trị giải ngân đạt 27,5% kế hoạch, nhưng nếu tính theo kế hoạch vốn ODA dự kiến điều chỉnh thì mức giải ngân đạt 41,33% - mức cao hơn hẳn so với bình quân cả nước là 32,43%.

Thực tế, từ đầu tháng 9 đến nay, Hà Nội khánh thành, đưa vào sử dụng một số công trình, dự án quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân như nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), đường dưới thấp qua hồ Linh Đàm... Kết quả trên dù đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn một khoảng cách so với yêu cầu thực tế. Một số đầu mối, dự án có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này thấp, gây ảnh hưởng đến kết quả chung, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đơn cử, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư và liên quan đến việc quy hoạch ga ngầm C9; Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) còn vướng mắc về giá trị phát sinh hợp đồng tư vấn do phải thực hiện thủ tục đấu thầu lại gói thầu số 3 là hệ thống cống bao sông Lừ...

Giải phóng mặt bằng chậm cũng luôn là trở ngại lớn đối với việc giải ngân tại các dự án, như Dự án xử lý nước thải Cụm công nghiệp Biên Giang (quận Hà Đông) hay Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây - Trạm bơm Yên Nghĩa (quận Hà Đông)...

Tăng tốc thi công, thúc tiến độ giải ngân

Việc kịp thời giải ngân vốn đầu tư công xây dựng Dự án hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) sẽ góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch. Ảnh: Nam Nguyễn

Một số dự án dù mới khởi công nhưng cũng được xác định sẽ giải ngân tối đa, kể cả ở mức 100% như Dự án hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân). Hay Dự án đường nối Tản Lĩnh - Yên Bài (huyện Ba Vì) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành ngay trong năm nay. Trong khi đó, Dự án nút giao Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đang tăng tốc, để kịp hoàn thành vào đầu năm 2021... Một số dự án mới cũng sẽ được khởi công, gồm Dự án nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc (quận Đống Đa), cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm là giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020, thành phố đang tập trung chỉ đạo xử lý nhanh, dứt điểm những vướng mắc để tăng tốc thi công từng dự án. 6 tổ công tác liên ngành thành phố, do các Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách, được thành lập gồm 1 tổ kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách, giải ngân vốn ODA và 5 tổ kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 đã kiểm tra Dự án xử lý nước thải Cụm công nghiệp Biên Giang và Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây - Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền quận Hà Đông thực hiện ngay niêm yết công khai giá đền bù, đối chiếu và thực hiện nhanh các thủ tục giải ngân để tăng tốc giải phóng mặt bằng…

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức phiên giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Theo đó, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố phân loại dự án, phân công, phân nhiệm, nghe báo cáo về từng dự án và làm việc với các quận, huyện, thị xã để tháo gỡ; nếu có khó khăn về chính sách thì đề xuất HĐND thành phố. HĐND thành phố sẽ giám sát thường xuyên về lĩnh vực này, từ nay đến cuối năm 2020.

Từ góc độ các đơn vị liên quan, ông Ngô Tuấn Phong, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác giải ngân khi có khối lượng thanh toán trên tinh thần tranh thủ thời gian. Còn Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn khẳng định, ban đã đề nghị nhà thầu tăng tốc độ thi công trong những tháng còn lại của năm 2020.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), để tăng tốc giải ngân cần áp dụng chế tài mạnh, nêu rõ trách nhiệm và công khai danh tính của đơn vị chưa đạt yêu cầu và tăng cường giám sát từ phía cộng đồng.

Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Quốc Chương cho biết, năm 2020, thành phố bố trí 28.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 581 dự án (không kể các nguồn vốn khác và vốn chuyển tiếp từ những năm trước). Trong đó, dự kiến 146/293 dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Như vậy, hàng loạt giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công đang được các cấp, ngành thành phố thực hiện để hướng tới kết quả cao nhất.

Sơn - Hương