Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tiếp tục tăng

Kinh tế - Ngày đăng : 14:57, 30/10/2020

(HNMO) – Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,7%).

Tại Hà Nội, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thị trường hàng hóa trong tháng 10 không có biến động lớn, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tổng mức bán lẻ tháng 10 và 10 tháng năm 2020 tiếp tục tăng. Ảnh: V.Hà

Cụ thể, tin từ Bộ Công Thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 450,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 356,5 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,8 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,2 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt 48,3 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 10 tháng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.263,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng. Cụ thể, Hải Phòng tăng 11,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 9,8%; Hà Nội tăng 9,7%; Bình Định tăng 5,1%; Nghệ An tăng 4,1%; Thanh Hóa tăng 4%; Cần Thơ tăng 3,3%; Đà Nẵng giảm 5,7%; Khánh Hòa giảm 2%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng năm nay ước tính đạt 412,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước (năm 2019 tăng 9,5%). Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng ước tính đạt 15,4 nghìn tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ khác 10 tháng ước tính đạt 431,5 nghìn tỷ đồng.

Trước tình hình mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương đảm bảo cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát, đảm bảo bình ổn giá trên thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nhu yếu phẩm và đồ bảo hộ dùng trong hoạt động phòng, chống thiên tai. Các đại lý, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống trên địa bàn đều tổ chức dự trữ hàng hoá nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Hiện các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày cho người dân như gạo, muối, trứng, thực phẩm… giá cơ bản ổn định.

Tuyền Lâm