Nhanh chóng đưa những ý tưởng, đề xuất phù hợp của kiều bào vào cuộc sống

Đời sống - Ngày đăng : 16:57, 31/10/2020

(HNMO) - Nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất, hiến kế về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chính sách thu hút đầu tư đã được bà con kiều bào trao đổi tâm huyết, góp phần cho sự phát triển của Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hôm qua (30-10), hơn 450 kiều bào trên toàn thế giới đã tham gia trực tiếp và trực tuyến, qua đó có nhiều ý kiến, hiến kế cho sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh hội nghị.

Trân quý nguồn lực kiều bào

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu dựng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn khuyến khích kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự xuất hiện của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước lập nghiệp, đầu tư, kinh doanh, xây dựng thành công nhiều doanh nghiệp mạnh hàng đầu của đất nước đã đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ.

Đồng chí Phạm Bình Minh khẳng định, Đảng và Nhà nước có niềm tin vững chắc rằng, với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, với sự đồng hành của 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày một lớn mạnh, trong đó có 500.000 trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học…, chúng ta hoàn toàn có thể biến “nguy” thành “cơ” và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, lần đầu tiên, kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 29.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 149.000 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 25.000 tỷ đồng. Bối cảnh này đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay rất lớn của cả cộng đồng để vượt qua những thách thức mang tính toàn cầu hiện nay, hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết vì cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của kiều bào đã và đang được áp dụng, triển khai. Bên cạnh đó, những hỗ trợ thiết thực của kiều bào đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống dịch của cả nước. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào còn đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. 

“Đó là tình cảm của kiều bào khắp nơi trên thế giới hướng về quê hương, điều mà thành phố vô cùng trân quý”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ cao.

Nhiều đề xuất, ý tưởng thiết thực

Qua hội nghị, thành phố đã lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào, nhất là những nội dung trọng tâm như: Chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng; giải ngân đầu tư công; phát triển du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chuyển đổi số… nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.

Góp ý kiến tại hội nghị, Giáo sư Hà Tôn Vinh (Việt kiều Mỹ, chuyên gia tư vấn tài chính cơ sở hạ tầng) cho rằng, Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng chuyển hướng từ nền kinh tế tiêu thụ truyền thống sang nền kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, trong bối cảnh khó khăn, tác động từ đại dịch Covid-19, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn có nhiều ưu điểm vượt trội so với nền kinh tế tiêu thụ truyền thống. 

“Nền kinh tế tuần hoàn áp dụng một quy trình gọi là 5-R, gồm: Tái sử dụng (reuse), sửa chữa (repair), tân trang (refurbishment), tái sản xuất (remanufacturing) và tái chế (recycling). Vòng tròn 5-R giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như giảm mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải”, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho hay.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (Việt kiều Mỹ, chuyên gia tài chính) đề xuất thành lập một “tổ hợp tín dụng” (loan syndication) với mục đích cung cấp nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và vốn để thực hiện quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Hiện nay, tổng dư nợ của nền kinh tế Việt Nam là 8,7 triệu tỷ đồng, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu mỗi ngân hàng tham gia với tỷ lệ 3-3,5%/tổng dư nợ, thì toàn hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Tuấn (Việt kiều Nhật Bản) cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu sử dụng nhân công giá rẻ chứ chưa chú trọng chuyển giao công nghệ. “Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh nên có một số chế tài buộc các nhà đầu tư về công nghệ cao phải có chuyển giao công nghệ để các công ty Việt Nam tiếp cận được với công nghệ tiên tiến của các nước. Đồng thời, thành phố cần áp dụng công nghệ số, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giám sát an ninh để các nhà đầu tư nước ngoài khi đến đầu tư tại thành phố an tâm hơn”, ông Bùi Văn Tuấn hiến kế.

Chia sẻ trực tuyến với hội nghị từ Australia, Phó Giáo sư Chung Trần, Giảng viên Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho rằng, kinh tế thế giới đang bước vào chu kỳ suy thoái mới khi tăng trưởng âm, sản xuất bị đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và chưa có tín hiệu rõ ràng về phục hồi kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và có tăng trưởng dương, đây là tín hiệu rất tốt để Việt Nam nâng cao uy tín quốc tế, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn để đón làn sóng đầu tư mới, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, sau hội nghị, Bộ Ngoại giao và UBND thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, đề xuất, kế sách của các chuyên gia, trí thức, kiều bào để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, Bộ Ngoại giao, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan tiếp thu và triển khai ngay những ý tưởng, kế sách phù hợp vào cuộc sống.

Nguyễn Lê