Quyền lợi và trách nhiệm
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 01/11/2020
Nổi bật là việc ngành Thư viện đã liên tục đổi mới, tổ chức nhiều hoạt động chất lượng, phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng vùng, miền, địa phương trên cả nước. Nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc, luân chuyển, tăng cường sách đến vùng sâu, vùng xa… được tổ chức và đạt hiệu quả cao. Hệ thống bảo tàng không chỉ là nơi gìn giữ di sản vật chất, tinh thần mà còn là trung tâm thông tin, trường học, địa chỉ văn hóa của công chúng. Nhiều bảo tàng đã chủ động đưa di sản đến cơ sở qua các hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề, gắn di sản văn hóa với giáo dục học đường. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư sửa chữa, xây dựng và ngày càng phát huy hiệu quả, đổi mới, sáng tạo về cách thức thể hiện, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 được triển khai tích cực trong gần 7 năm qua. Đến nay, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, quy định pháp luật đã có nhiều thay đổi, nên cần phải rà soát, điều chỉnh một số nội dung của đề án. Trong đó, ngành chức năng cần quan tâm giải quyết không ít khó khăn, bất cập về cơ chế tài chính; cơ sở vật chất, trang thiết bị; nguồn lực về tư liệu… để bảo đảm phục vụ hoạt động học tập suốt đời ở các thiết chế văn hóa.
Theo đó, ngành Văn hóa phải phát huy hơn nữa vai trò tham mưu, giúp chính quyền địa phương có những chỉ đạo đúng đắn, đẩy mạnh việc học tập suốt đời. Ngược lại, các thiết chế văn hóa được thực hiện hiệu quả, có sức lan tỏa thì chắc chắn nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của chính quyền địa phương và huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia. Cùng với đó, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về tinh thần học tập suốt đời, với các hình thức thực chất, sáng tạo. Đây là việc cần làm thường xuyên, có thể lồng ghép với các nội dung, chương trình khác, để phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa của mỗi vùng, mỗi địa phương.
Đặc biệt, hệ thống các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ cũng cần làm tốt hơn nhiệm vụ gây dựng phong trào học tập suốt đời trong cộng đồng, tiếp tục đa dạng, đổi mới hình thức hoạt động, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút được mọi đối tượng công chúng. Chẳng hạn như, đối với hệ thống bảo tàng, cùng với đổi mới trưng bày, triển lãm, cần tăng cường giao lưu với nhân chứng hoặc ứng dụng công nghệ số để tăng tính hấp dẫn. Còn với hệ thống thư viện, cần xây dựng những mô hình hiệu quả để “sách đi tìm người”. Mỗi người dân cũng cần có nhận thức đầy đủ, nghiêm túc về học tập suốt đời, từ đó, vừa không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ cho bản thân, vừa là nhân tố lan tỏa phong trào học tập suốt đời mọi lúc, mọi nơi.
Học tập suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân. Bảo đảm, duy trì điều kiện học tập suốt đời cho nhân dân cũng góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy xã hội phát triển.