Độc đáo phong vị ẩm thực vùng cao Lai Châu
Xã hội - Ngày đăng : 05:16, 01/11/2020
Đặc sản... sâu: Những món ăn từ sâu chít, sâu tre có thể khiến nhiều người sợ hãi, nhưng lại là đặc sản của người dân Tam Đường. Những món ăn từ sâu được người dân chế biến theo nhiều cách, nhưng để đãi khách thì cách làm đơn giản nhất vẫn là chiên lá chanh, mang lại vị bùi, ngậy, lớp vỏ giòn, thơm.
Đuông măng: Vẫn là dạng sâu đấy thôi, song con đuông được bắt từ những đọt măng non thì mập tròn, to mềm, ứ sữa, béo ngậy. Thông thường, mọi người chỉ biết đến con đuông dừa nổi tiếng ở miền Nam, song trên thực tế con đuông còn xuất hiện ở cây cọ, cau, chà là, măng non, thậm chí còn được nuôi trong thân mía như nhà văn Vũ Bằng từng nhắc tới.
Nhộng ong: Tháng 8 - 9 âm lịch là mùa nhộng ong bắt đầu rộ, người dân ở các bản làng thường vào rừng bắt ong. Những con ong già dùng để ngâm rượu ong thơm lừng, còn ong non thì đem xào thành món ăn ngậy thơm.
Xôi tím: Gạo nếp nương hạt dài dẻo thơm cùng với lá dạ cẩm tạo màu trở thành món xôi tím đặc trưng của vùng cao Lai Châu có thể khiến du khách ăn không biết chán. Xôi tím có thể dùng kèm với cá nướng, thịt gác bếp.
Cá nướng: Là món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ đãi khách. Vẫn là cá như ở miền xuôi, nhưng hỗn hợp gia vị đặc trưng của người vùng cao đã tạo nên hương vị ngọt thơm rất riêng cho những thân cá nướng trên than hồng.
Thịt gác bếp: Món ăn của vùng núi Tây Bắc nay đã khá quen thuộc với người miền xuôi. Khi đến Lai Châu, trong mâm cơm không thể thiếu thịt gác bếp.
Rau dớn: Thứ rau dớn chỉ có trên vùng cao được phơi nắng cho héo rồi trộn chua ngọt thành nộm là món ăn đưa vị trên mâm cỗ. Ngoài làm nộm, rau dớn thường được xào với tỏi.
Chè Tam Đường: Một loại đặc sản của Tam Đường. Cây chè được hai nhà máy và một số cơ sở nhỏ ở đây chế biến thành nhiều sản phẩm trà như Kim Tuyên, Ô Long, Sencha, Matcha, Hồng trà, Đông Phương Mỹ Nhân...