Mạnh dạn đổi mới công tác tổ chức, cán bộ

Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 01/11/2020

(HNM) - Trong điều kiện hiện nay, công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ nói riêng phải xuất phát từ thực trạng tổ chức và cán bộ, cả những kết quả quan trọng đã đạt được và tồn tại, yếu kém. Vì thế, nội dung công tác xây dựng Đảng nêu tại dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần mạnh dạn có nhiều đổi mới trong khâu tổ chức, cán bộ.

Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng nhằm quán triệt nghiêm túc và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, tháng 5-2020. Ảnh: TTXVN

1. Trong xây dựng Đảng về tổ chức, dự thảo Báo cáo chính trị đã khẳng định việc cần tiếp tục gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp đến, cần đánh giá đúng thực trạng, những ưu điểm và hạn chế từ mô hình tổ chức đến phương thức hoạt động để tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở.

Song song đó, tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của các thành tố trong hệ thống chính trị. Sớm tổng kết việc thực hiện sáp nhập một số ban, bộ, ngành trung ương để có chủ trương phù hợp; kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, nhất là ở cấp chiến lược.

Ngoài ra, cần phát huy hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt Đảng, từ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy ở cơ sở đến sinh hoạt Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; chống quan liêu, bè phái, cục bộ, địa phương, lối làm việc vô nguyên tắc, vi phạm kỷ luật, vi phạm dân chủ.

2. Về xây dựng đội ngũ cán bộ, việc trước hết là cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, nhất quán trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tới sự phát triển của Đảng. Đồng thời phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ tất cả các khâu của công tác cán bộ, gồm: Xác định tiêu chuẩn cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sử dụng, luân chuyển cán bộ; quản lý cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Trong đó, phải đổi mới tư duy, cách làm và khắc phục những khuyết điểm, yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ thông qua việc thường xuyên đúc rút thực tiễn để tổng hợp thành lý luận.

Riêng về tuyển chọn cán bộ, cần bám sát và thực hiện nghiêm túc các văn bản, quy định của Đảng như các quy định về trách nhiệm nêu gương; về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; 27 biểu hiện suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền... để cụ thể hóa tiêu chí lựa chọn cán bộ cho phù hợp với từng cấp trong tình hình mới.

Căn cứ vào tiêu chuẩn, kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào bộ máy lãnh đạo những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ, kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.

Như vậy, trong công tác xây dựng cán bộ thời gian tới, phải đặc biệt chú trọng công tác tuyển chọn cán bộ, bảo đảm lựa chọn được đúng người, bố trí đúng việc, vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Trung ương cũng cần tiếp tục quán triệt và có những cách làm sáng tạo trong xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và học tập ngoại ngữ; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị để rèn luyện.

Song song đó, công tác đánh giá cán bộ cần tiếp tục được đổi mới theo hướng xuyên suốt, liên tục, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định, quy chế để cấp ủy các cấp có cơ cấu hợp lý, tinh giản số lượng và nâng cao chất lượng. Quy định trách nhiệm của lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp trong việc tiến cử người có đức, có tài; người đứng đầu có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế mình. Có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ...

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà