Thủ tướng chủ trì họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả bão số 9
Chính trị - Ngày đăng : 16:37, 01/11/2020
Dự cuộc họp có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện các bộ, ngành: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các tỉnh, thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là bàn biện pháp thiết thực để xử lý tình hình khi mà thiệt hại về người và tài sản rất lớn, vẫn còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy. Cảnh “màn trời chiếu đất” của người dân vẫn đang đặt ra yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa, vẫn có nơi còn bị cô lập, trẻ em chưa thể đến trường.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn để ổn định đời sống người dân. Các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án khắc phục tình hình khó khăn rất lớn hiện nay.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề trước tình hình bão lũ lớn như thế, địa chất công trình thay đổi thì về lâu dài, phải xử lý vấn đề quy hoạch thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong tương lai, chứ không phải “nóng đâu, phủ đó”. Bên cạnh đó, cuộc họp cần thảo luận về huy động các nguồn lực cần thiết, hệ thống chính trị vào cuộc, để làm sao sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, bão số 9, có tên quốc tế Molave, là cơn bão lớn, đặc biệt nguy hiểm, là cơn bão lịch sử trong 20 năm qua trực tiếp tác động vào miền Trung nước ta (tương đương cơn bão Xangsane năm 2006). Thời gian lưu bão rất dài, 6-7 tiếng. Cơn bão số 9 đổ bộ sau thời gian nhiều ngày mưa lũ khu vực miền Trung đã bị tổn thương rất nặng nề, đặc biệt các tác động thiên tai dồn dập trong tháng 10-2020.
Tâm bão tại Quảng Ngãi với sức gió cấp 11-12, giật cấp 14-15; đồng thời gây mưa lớn bình quân từ 600-800 tại các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, từ 200-400mm tại các tỉnh Quảng Bình - Bình Định.
Khi cơn bão vào đến Biển Đông hồi 9h ngày 26-10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1470/CĐ-TTg và trực tiếp họp trực tuyến để triển khai công tác ứng phó với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa. Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban và Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng, để trực tiếp chỉ đạo. Các địa phương thành lập Ban Chỉ huy tiền phương huy động lực lượng vũ trang, ứng trực 24/24. Đã nhắn tin khẩn cấp 73 triệu lượt tin nhắn tới thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão.
Trong thời gian rất ngắn, chưa đến 2 ngày trước khi bão đổ bộ, đã kêu gọi 45.000 tàu thuyền với 300.000 thuyền viên vào nơi tránh trú trong bờ hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức sơ tán hơn 100.000 hộ dân với hơn 400.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Di dời và tuyên truyền đến người dân tại 118.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản và vùng nước an toàn và di dời người nuôi trồng lên bờ đảm bảo không để xảy ra rủi ro. Toàn bộ 2.700 hồ chứa được phối hợp kiểm soát, nhất là các hồ lớn.
Mặc dù đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt, khẩn trương, căn bản, xong cơn bão và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn, 80 người chết và mất tích, trong đó 45 người chết do sạt lở đất; 727 ngôi nhà sập hoàn toàn.
Theo số liệu các tỉnh báo cáo, thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng.
Các lực lượng của địa phương, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn (66.121 lượt cán bộ, chiến sĩ; 1.716 phương tiện) đã được huy động để ứng phó, hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường. Sửa chữa khẩn cấp hệ thống điện và trong ngày 31-10 đóng điện trở lại.
Trước cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe báo cáo tình hình cứu hộ, cứu nạn sạt lở đất tại huyện Phước Sơn, Nam Trà My (Quảng Nam).
Thông tin về cuộc làm việc này sẽ tiếp tục được đăng tải ở những bản tin sau.