Xóa tư tưởng ''phải có con trai''
Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 02/11/2020
Những hệ lụy khó lường
Theo Sở Y tế Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố đã giảm dần, từ 117,6 bé trai/100 bé gái năm 2008, xuống còn 112,9 bé trai/100 bé gái vào năm 2019. Trong 9 tháng năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái. Dù tỷ số này trên toàn thành phố đang có xu hướng giảm, song vẫn trên mức báo động, nếu không có những tác động kịp thời, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cảnh báo, trong tương lai không xa, nhiều người đàn ông có nguy cơ “ế” vợ, nhất là với nam giới có trình độ học vấn thấp, gia đình nghèo, sống tại các vùng khó khăn. Thậm chí, khi đó, tưởng rằng phụ nữ sẽ có giá trị, được coi trọng nhưng ngược lại, họ sẽ bị “săn đuổi”, phải đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, mua bán, bị lạm dụng tình dục…
Còn theo bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh là do định kiến giới. Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể phụng dưỡng cha mẹ, gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới khiến phụ nữ chịu áp lực phải sinh bằng được con trai, dễ dẫn đến nạo phá thai hoặc sinh con nhiều lần đến khi có được con trai, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, việc cố gắng sinh con trai hầu hết rơi vào gia đình đã có từ 2 đến 3 con gái. Việc đẻ thêm con không chỉ là nỗi vất vả, khó khăn về kinh tế, mà còn kéo theo nhiều rủi ro về sức khỏe cho người phụ nữ.
Vận động nam giới tham gia bình đẳng giới
Với tỷ số giới tính khi sinh đạt 120,34 bé trai/100 bé gái vào năm 2018, huyện Ứng Hòa từng lọt vào nhóm địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao của Hà Nội. Nhờ áp dụng nhiều giải pháp, trong 9 tháng năm 2020, huyện Ứng Hòa đã giảm tỷ số giới tính khi sinh xuống còn 112,3 bé trai/100 bé gái.
Để có được kết quả này, theo ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa, hằng năm, huyện đều kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại các phòng khám sản phụ khoa.
Cùng với đó, để thúc đẩy bình đẳng giới, huyện đã triển khai nhiều chính sách, mô hình hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái.
Đơn cử như trong tháng 10-2020, huyện đã tổ chức biểu dương 100 trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu sinh con một bề là gái thực hiện tốt chính sách dân số. Từ đó, từng bước vận động làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.
Tương tự, tại quận Đống Đa, từ tỷ số giới tính khi sinh luôn khoảng 110 bé trai/100 bé gái, nhưng trong 9 tháng năm 2020, tỷ số này trên địa bàn quận đã giảm xuống còn 108 bé trai/100 bé gái. Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho rằng, đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái là đầu tư cho ổn định, thịnh vượng và hạnh phúc. Quận Đống Đa đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn.
Quận cũng vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những hộ sinh con một bề là gái thực hiện chính sách dân số, quy mô gia đình 2 con để nuôi dạy cho tốt.
Ngoài ra, từ đầu năm 2020 đến nay, có 23/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội triển khai mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái, nhằm thay đổi quan niệm phải có con trai để phụng dưỡng lúc tuổi già.
Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xã hội, vận động nam giới tham gia bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, trong đó ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái, giữ tỷ lệ cân đối về giới tính trong cơ cấu dân số để xã hội phát triển bền vững.