Đã hoàn hơn 12.000 tỷ đồng thuế nhập khẩu linh kiện cho doanh nghiệp ô tô
Tài chính - Ngày đăng : 15:25, 03/11/2020
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, để hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, Chính phủ có nhiều chính sách, trong đó tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 đã cho phép áp dụng thuế suất ưu đãi 0% với linh kiện ô tô mà trong nước chưa sản xuất được (kể từ ngày 16-11-2017).
Tiếp đến là Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng tham gia chương trình ưu đãi thuế; quy định các thủ tục hành chính minh bạch, cụ thể, rõ ràng. Ngoài ưu đãi về linh kiện phụ tùng ô tô trong nước chưa sản xuất được thì Nghị định 57/2020/NĐ-CP mở rộng sang đối tượng là nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Qua hai năm triển khai, có 13 doanh nghiệp đã tham gia chương trình ưu đãi này. Số tiền thuế nhập khẩu đã được hoàn theo chương trình ưu đãi thuế tại các kỳ xét ưu đãi thuế từ ngày 16-11-2017 đến 31-12-2019 là 9.557 tỷ đồng. Số tiền thuế nhập khẩu đã được hoàn theo chương trình (kỳ xét ưu đãi thuế từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2020) là 2.854 tỷ đồng.
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đánh giá, Chính phủ ngày càng quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đối tượng tại Nghị định 57/NĐ-CP đã được mở rộng, song vẫn có ràng buộc là doanh nghiệp phải được Bộ Công Thương công nhận theo quy định. Đây là hạn chế, bởi các doanh nghiệp nhỏ cũng cần nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất linh, phụ kiện; hệ thống các doanh nghiệp bảo dưỡng sửa chữa cũng cần mua linh kiện phụ tùng. “Vì vậy, cần mở rộng diện được thụ hưởng chính sách của Nghị định này”, Chủ tịch VASI đề xuất.
Theo ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký VAMA, hiện nay, các nhà sản xuất ô tô trong nước đã có chuỗi cung ứng ổn định, giá tốt, còn các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng khó chen chân vào chuỗi cung ứng nên họ không mặn mà đầu tư. Vì vậy, cần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này gặp gỡ, tìm giải pháp kết nối sản xuất, kinh doanh.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Dương Quang cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp này liên kết với nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự chủ động từ phía các doanh nghiệp.
Ông Lương Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) ghi nhận ý kiến trên và cho biết, 3 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tổ chức chương trình tìm kiếm nhà cung ứng trong lĩnh vực ô tô. Các doanh nghiệp có tiềm năng đã được hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất linh kiện và sản xuất ô tô lớn của Việt Nam…
Buổi tọa đàm “Chính sách thuế và vai trò hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô”nhằm tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật mới (Nghị định số 57/2020/NĐ-CP), đồng thời tiếp tục lắng nghe, ghi nhận phản ánh từ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô về những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục tháo gỡ, tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển.
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, VAMA; VASI, cùng hơn 100 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp ô tô, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô.