Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 03/11/2020
Phấn đấu không còn hộ nghèo, tái nghèo
Hiện tại, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố, trong đó có 12/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo (gồm các quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức). Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội (Nghị quyết Đại hội XVII) đánh giá, nhiệm kỳ qua, thành phố có 4/16 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch, trong đó, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo về đích trước 2 năm. Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt.
Dù công tác giảm nghèo tạo dấu ấn rõ nét, song Nghị quyết Đại hội XVII cũng thẳng thắn nhìn nhận trong giai đoạn 2015-2020: “Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị chậm cải thiện…”. Để nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, Nghị quyết Đại hội XVII đề ra mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn dưới 3%... Như vậy, so với nhiệm kỳ 2015-2020, các chỉ tiêu phát triển an sinh xã hội của nhiệm kỳ 2020-2025 cao hơn (chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo của nhiệm kỳ trước là toàn thành phố còn dưới 1,2% hộ nghèo; tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn dưới 4%).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - người rất quan tâm đến các vấn đề của thành phố Hà Nội, đánh giá, các chỉ tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo của Nghị quyết Đại hội XVII thể hiện tầm nhìn mới, quyết tâm mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, góp phần tạo đà đưa Hà Nội phát triển toàn diện, nhanh, bền vững. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển, bởi Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thu hút đầu tư tăng mạnh, nên người dân có nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập để không còn phải sống trong cảnh nghèo hay có nguy cơ tái nghèo, nhất là với cư dân thành thị.
Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội
Nhằm đưa Nghị quyết Đại hội XVII vào cuộc sống, Thành ủy Hà Nội sẽ xây dựng 10 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa. Trong đó, Chương trình 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” là một trong những chương trình công tác mới so với nhiệm kỳ 2015-2020.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững... đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng xa trung tâm; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giảm nghèo. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nghiên cứu phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân về bảo hiểm y tế.
“Nhiệm vụ tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô sẽ được thực thi theo hướng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, đặc thù của từng địa phương. Qua đó, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các chính sách an sinh, các dịch vụ trợ giúp xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng tiêu chí về chuẩn nghèo mới để tham mưu UBND thành phố xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, làm căn cứ cho các địa phương triển khai thực hiện”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho hay.
Cùng với nỗ lực của các sở, ngành thành phố, ngay lúc này, mỗi địa phương trên địa bàn thành phố đang chủ động triển khai các giải pháp nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVII đề ra. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, quận Hà Đông sẽ mở rộng hỗ trợ các đối tượng là người dân tạm trú trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn; vận động các nguồn lực để trợ giúp thường xuyên, lâu dài cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó học tốt...
Nhằm giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung chia sẻ, giai đoạn 2020-2025, huyện sẽ tập trung, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi, vùng xa trung tâm… theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Với tinh thần quyết tâm, chủ động của các ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ: “Tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô” đề ra tại Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, tin tưởng rằng chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô sẽ ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.