Đổi mới tư duy trong tiếp cận một số vấn đề, trong xây dựng văn kiện
Chính trị - Ngày đăng : 18:29, 04/11/2020
Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đề nghị, các đại biểu dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, góp ý cụ thể vào nội dung các dự thảo văn kiện: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; Cương lĩnh, mục tiêu, định hướng phát triển và tiếp tục đổi mới trên các lĩnh vực trọng yếu và các khâu đột phá chiến lược...
Tại tọa đàm, các ý kiến tham luận của các đại biểu tập trung vào các nội dung: Xây dựng Đảng, văn hóa, con người, quản lý xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, hoạt động đối ngoại của Đảng, hội nhập quốc tế… Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần đổi mới tư duy trong tiếp cận một số vấn đề, trong xây dựng văn kiện.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào nghị quyết
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng và công tác xây dựng Đảng, ông Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đánh giá cao sự chuẩn xác của dự thảo Báo cáo chính trị, trong đó có sự đề cập sâu sắc, toàn diện về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ủng hộ mạnh mẽ những góp ý rất tích cực, trên nhiều mặt nhằm làm phong phú thêm các dự thảo văn kiện và cũng để sửa đổi hay bổ sung những điều cần thiết.
Theo ông Hà Đăng, dự thảo Báo cáo chính trị trong mục "Tầm nhìn và định hướng phát triển" về quan điểm chỉ đạo, quan điểm thứ hai có viết “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó, phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu thường xuyên".
Công thức này tuy được dùng từ lâu, qua không ít kỳ đại hội của Đảng, nhưng về nhiệm vụ phát triển văn hóa, nói như trên chỉ nêu được tầm quan trọng của nó (là nền tảng tinh thần của xã hội) mà chưa nói được vị trí của nó trong tổng thể các nhiệm vụ đổi mới.
Bên cạnh đó, nói phát triển văn hóa mà không nói đến con người là không toàn diện. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản, yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Xây dựng văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai hay chỉ trong một giai đoạn nhất định. Vì vậy, ông Hà Đăng đề nghị, bổ sung vào quan điểm chỉ đạo thứ hai trong dự thảo Báo cáo chính trị như sau: "Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa, con người là cơ bản, lâu dài; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên“.
Về đổi mới cách ra nghị quyết và chỉ đạo thực hiện nghị quyết, ông Hà Đăng cho rằng, đưa nghị quyết vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào nghị quyết là hai mặt của một vấn đề. Có những nghị quyết viết rất hay nhưng không đưa vào cuộc sống được vì nó không sát với thực tế cuộc sống, nói một cách khác, là cuộc sống không được đưa vào nghị quyết. Nhưng cũng có một thực tế khác, nghị quyết hay, đúng nhưng không đưa được vào cuộc sống là do tổ chức, chỉ đạo, thực hiện kém. Cho nên việc đổi mới, tăng cường tổ chức, chỉ đạo thực hiện cũng là một đòi hỏi cấp bách.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Tăng, Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu, đầy đủ các mặt, bố cục hợp lý. Báo cáo chính trị các mặt khác viết khá chi tiết và đầy đủ nhưng không làm nổi bật được những điểm chính.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Tăng cho rằng, cần nêu bật những vấn đề: Trong hơn 30 năm đổi mới cần xây dựng cho được nền kinh tế độc lập tự chủ trên cơ sở vận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chiến lược phát triển khoa học công nghệ gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng nền văn hóa nước ta trong thời kỳ mới trên cơ sở giữ vững văn hóa truyền thống kết hợp văn hóa hội nhập; xây dựng môi trường tự do, dân chủ trong Đảng gắn với tự do, dân chủ trong xã hội.
Cần thấy hết được chủ thể tham gia vào quá trình quản lý phát triển xã hội
Về nội dung quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hà, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, đây là một trong 15 mục của dự thảo Báo cáo chính trị. Điều này cho thấy, Trung ương đã tiếp tục nhìn nhận và đánh giá đây là một nội dung quan trọng, cần có đánh giá và định hướng trong xây dựng, phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai.
Có thể nói phần viết này trong dự thảo thể hiện sự kết tinh, chắt lọc cao có chất lượng, chỉ ra được những kết quả cơ bản, những hạn chế nổi cộm và rõ về phương hướng quản lý và sự phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng.
Góp ý trong thể hiện nội dung phần quản lý sự phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hà nhấn mạnh, cần có sự đánh giá trong tương quan so sánh quá trình đổi mới các lĩnh vực. Do vậy, cần thấy hết được chủ thể tham gia vào quá trình quản lý phát triển xã hội, có sự đổi mới trong tiếp cận quản lý sự phát triển xã hội bền vững, đề cập đến các chủ thể khác chứ không chỉ có vai trò nhà nước như trong dự thảo văn kiện.
Tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao
Góp ý về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương cho biết, dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá khá đầy đủ về kết quả 5 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Trung ương Đảng. Ở mục 3 (trang 48), phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế nên chỉnh sửa tên tiểu mục này có thể là "Tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao" là đủ ý.
Về "nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa", không nên dùng câu này vì năm 2013 sau khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Trung ương Đảng đã bắt đầu nghiên cứu và đến năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình và định hướng về viết sách giáo khoa. Hơn nữa, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo không nên nói là ổn định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ nên sửa là: Chỉ đạo, hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông đạt chất lượng cao, đồng thời thực hiện việc phát triển chương trình nhà trường phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn phổ thông.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ, trong mục 3 cần nói khái quát về triển khai khung trình độ giáo dục nghề nghiệp gắn với khung trình độ quốc tế và liên thông với giáo dục đại học để nâng cao chất lượng đào tạo, đề nghị sắp xếp, kiện toàn lại hệ thống cơ sở dạy nghề và cơ sở giáo dục đại học sao cho thật hợp lý. Nên có một ý cụ thể nói về hệ thống trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo. Chú ý đặc biệt là các trường, khoa sư phạm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Việc này cũng gắn với việc coi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là khâu đột phá trong 5 năm tới.