5 đề xuất của Hà Nội tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị

Kinh tế - Ngày đăng : 12:45, 29/11/2022

(HNMO) - Sáng 29-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức.

Thay mặt Thành ủy Hà Nội tham luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nêu 5 đề xuất để việc triển khai thực hiện Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tham luận.

Phát triển Thủ đô Hà Nội trong không gian chung của Vùng

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị lần này có nhiều điểm mới, với mục tiêu khơi dậy tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển to lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tư tưởng xuyên suốt là đổi mới và tăng cường liên kết vùng để tạo động lực phát triển cho các địa phương và toàn Vùng; khai thác hiệu quả vị trí đặc biệt của vùng Đồng bằng sông Hồng để tiếp cận và hình thành các thị trường lớn, tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu; giữ gìn bản sắc văn hóa Đồng bằng sông Hồng.

Trong đó, Bộ Chính trị tiếp tục xác định Thủ đô Hà Nội là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Hà Nội có vai trò đầu tàu, hạt nhân, dẫn dắt các địa phương trong Vùng. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm, là động lực thúc đẩy phát triển Vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đến cuối năm 2021, Hà Nội có dân số khoảng 10 triệu người; nơi tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện hàng đầu, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước; giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của Vùng.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 43% của Vùng và 16,2% tổng sản phẩm trong nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 128,2 triệu đồng/người, gấp 1,2 lần bình quân Vùng và gấp 1,4 lần bình quân cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 411.261 tỷ đồng, chiếm 40,8% của Vùng và 13,8% cả nước. Năng suất lao động đạt 264,8 triệu đồng/lao động, gấp 1,2 lần bình quân Vùng, gấp 1,5 lần bình quân cả nước. Về nguồn lực lao động, Hà Nội có hơn 4 triệu lao động, chiếm 36% lao động Vùng và 8,2% lao động cả nước. Có thể nói, Thủ đô Hà Nội giữ vai trò đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của Vùng nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung trên hầu hết các lĩnh vực.

“Như vậy, cùng với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ là căn cứ, cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng định hướng mang tính chiến lược, dài hạn nhưng rất cụ thể cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế

Để việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng sớm đi vào cuộc sống, thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng như các ban, bộ, ngành Trung ương; sự quyết tâm chính trị, phối hợp hiệu quả của các địa phương trong Vùng.

Đồng thời, thành phố Hà Nội nêu 5 nhóm đề xuất quan trọng nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trong đó, về thể chế liên kết vùng, thành phố đề nghị Trung ương, Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành cơ chế điều phối liên kết phát triển Vùng; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, có tính cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng cũng như tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...

“Trước mắt đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá các chính sách thi hành Luật Thủ đô, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang trong quá trình xây dựng”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ.

Đáng chú ý, Hà Nội đề nghị, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giúp các các tỉnh, thành phố trong Vùng nghiên cứu để tập trung ưu tiên phát triển những ngành sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ cao như sản xuất chíp, công nghệ sinh học, sản xuất giống... chú ý đến các ngành có lợi thế so sánh, tạo chuỗi liên kết giá trị trong Vùng; quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách để hình thành và vận hành các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… 

Hà Nội kiến nghị định hướng phát triển Vùng thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là phân vùng chức năng phát triển các địa phương như: Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại; tỉnh Bắc Ninh phát triển công nghiệp trên nền tảng sản xuất thông minh…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thành phố Hà Nội thống nhất cao với quan điểm phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Những năm qua, Hà Nội luôn coi trọng việc phát triển văn hóa với quan điểm phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn hóa của cả nước. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô với mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

“Từ kinh nghiệm thực tiễn của Hà Nội, đề nghị Trung ương nghiên cứu và có giải pháp tổng thể để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn với phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phát huy nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, để văn hóa thực sự là động lực phát triển mới của Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn sớm hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để các tỉnh, thành phố trong Vùng hoàn thiện định hướng phát triển quy hoạch cấp tỉnh; quan tâm triển khai các dự án về phát triển giao thông, tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm và các tuyến vành đai.

“Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phấn đấu hoàn thành dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng nêu đề nghị các ban, bộ, ngành sớm triển khai các đề án phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh; hoàn thành xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội; đề nghị các tỉnh, thành phố trong Vùng tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với hệ thống các sông, hồ lớn; xử lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng không khí, các biện pháp giảm thiểu tác hại và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Hà Vũ - Ảnh: Viết Thành