Chất vấn tại Quốc hội chiều 6-11: Sẽ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng
Chính trị - Ngày đăng : 14:24, 06/11/2020
Kết thúc ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên, theo sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các câu hỏi chất vấn còn lại của đại biểu trong chiều nay sẽ được các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời vào thứ hai (9-11).
Làm rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến mưa lũ, sạt lở đất
Cuối phiên chất vấn chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng “đăng đàn”, trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về nguyên nhân, giải pháp ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân.
Làm rõ hơn về nguyên nhân chủ quan dẫn đến mưa lũ, sạt lở đất được nhiều đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, chất lượng rừng còn thấp; tình trạng phá rừng chưa được ngăn chặn hiệu quả; việc đầu tư công trình, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực miền núi đã làm thay đổi địa hình, tác động đến độ ổn định kết cấu địa chất, dễ gây sạt lở đất; việc xây dựng công trình nhà ở, các khu dân cư, trường học… tại khu vực miền núi không được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là yếu tố địa chất, đã tác động làm sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra...
Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc xây dựng công trình hồ đập thủy lợi thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, quản lý quá trình xây dựng và khai thác vận hành thì có tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất, đe dọa sự an toàn của vùng hạ lưu.
Hiện nay, nước ta có trên 7.500 hồ đập, thủy lợi và thủy điện; đưa vào vận hành khai thác tổng dung tích 70 tỷ mét khối nước; trong đó có 437 hồ đập thủy điện đang hoạt động. Có thể nói, hồ đập thủy điện, thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong đáp ứng an ninh nguồn nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần cắt lũ; điều tiết nước cho mùa cạn và tạo nguồn điện rất lớn.
“Nguồn điện thủy điện là nguồn điện sạch, giá rẻ, vận hành thuận lợi, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh nông nghiệp. Tuy nhiên, xây dựng các công trình hồ đập, thủy điện có tác động tiêu cực đến môi trường vì các công trình này đa số được xây dựng ở các khu vực miền núi, trung du; đồng thời, việc xây dựng tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá, nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất”, Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giải trình thêm về năng lực tìm kiếm cứu nạn và ứng phó với thiên tai, bão lũ và cho biết, thời gian tới, cần rà soát các phương án nghiên cứu chiến lược phòng, chống thiên tai, xây dựng quy hoạch vùng, lĩnh vực để ứng phó với vấn đề này. Từ đó, sẽ lựa chọn những dự án trọng điểm; xây dựng bản đồ lũ ống, lũ quét… nhằm xác định được vùng phải di dời dân, xây dựng kịch bản di dời dân để giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra...
Nâng mức hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng do bão lũ
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hằng (Đoàn Bắc Ninh) về việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu những chính sách gì hỗ trợ người dân vùng lũ thời gian qua, sau khi chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào miền Trung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình sửa đổi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Tối 5-11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người bị sập nhà hoàn toàn do bão lũ từ 20 triệu đồng lên 40 triệu đồng; hỗ trợ những gia đình có nhà hư hỏng nặng 10 triệu đồng để khắc phục khó khăn. So với Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, mức hỗ trợ này đã được nâng lên gấp đôi.
Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cấp 6.500 tấn gạo cho đồng bào, bảo đảm mỗi người khó khăn, bị ảnh hưởng bão lũ được cấp 15kg gạo mỗi tháng trong 3 tháng; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương hỗ trợ vật nuôi, cây trồng cho người dân...
Với các cháu có bố mẹ mất do bão lũ không còn nơi nương tựa, trừ những cháu đã được các đơn vị bộ đội, công an nhận đỡ đầu, còn lại được bảo đảm đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội do Nhà nước đảm nhận.
Tiết kiệm từ cải cách thủ tục hành chính và chính phủ điện tử 14.900 tỷ đồng mỗi năm
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) và đại biểu Trần Thị Hằng (Đoàn Bắc Ninh) về cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu, ngay đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Từ tháng 4-2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước 65.595 nhiệm vụ; đã hoàn thành 48.406 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 15.953 nhiệm vụ trong hạn; có 1.236 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, chiếm 1,8%. Nhiệm vụ quá hạn đã giảm 23,4%, là điểm rất tốt.
Với quan điểm chính phủ phục vụ, đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương có bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính và 58/63 địa phương thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công. Hà Nội là một trong những điểm sáng, đơn vị tiên phong trong thực hiện các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nêu một số hạn chế, như còn tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tiêu cực khiến người dân phải đi lại nhiều lần. Đây là những trường hợp cá biệt, nhưng trong các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh.
Về nguyên nhân, ngoài yếu tố con người ra, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bộ phận một cửa còn bị hạn chế bởi địa giới hành chính. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu còn ở mức độ hạn chế, phần mềm của bộ, ngành không kết nối được với cổng dịch vụ công của địa phương. Hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng được công việc nên người dân ít sử dụng dịch vụ công...
Cuối giải trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu con số tiết kiệm từ cải cách thủ tục hành chính và chính phủ điện tử mỗi năm là 14.900 tỷ đồng.
Phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất là tự nhiên
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Đoàn Gia Lai) chất vấn: "Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn ưu tiên việc xây dựng và phát triển thủy điện nhỏ hay không? 'Ông trời' và rừng có quan hệ gì đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng?".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, nhiều quốc gia văn minh, trong đó có Na Uy có nhiều thủy điện nhưng họ dựa trên thế năng tự nhiên. Về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng cho rằng, thủy điện không phải là nguyên nhân mà là hậu quả do khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không dựa vào quy luật tự nhiên. Mất rừng còn do con người có tư duy sai trái, trong nhà dùng nhiều đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã. Thủy điện không phải là nguyên nhân chính mất rừng mà là do thay thế rừng bằng những cánh rừng sản xuất, không phù hợp với sinh thái.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát từng mét vuông đất nếu mà chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng. Sắp tới, với rừng phòng hộ đặc dụng, nơi nào không còn rừng nhưng chức năng là phòng hộ và bảo vệ con người thì sẽ phải phục hồi rừng, phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất là tự nhiên.
Sẽ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ tin tưởng như vậy trong trả lời chất vấn của đại biểu Ngàn Phương Loan (Đoàn Lạng Sơn). Theo Bộ trưởng, hiện nay trên YouTube có 120.000 người Việt Nam có đăng ký làm video và 350.000 kênh có hàng triệu người theo dõi, trong số đó có 5.000 kênh chia lợi nhuận quảng cáo với YouTube.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, hiện còn nhiều video xấu độc trên mạng mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã cố gắng tăng tỷ lệ tháo gỡ trên YouTube từ 50% lên 90% và đạt thỏa thuận với YouTube là khi Bộ thông báo các kênh vi phạm pháp luật thì YouTube sẽ không chia lợi nhuận quảng cáo với các kênh.
“Bộ Thông tin và Truyền thông mỗi tháng gỡ bỏ hàng nghìn kênh xấu độc cũng như phối hợp Bộ Công an xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất nội dung xấu độc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xử lý nghiêm, tăng tỷ lệ tháo gỡ lên 100%; trong năm 2021 sẽ có công cụ phát hiện video xấu độc, có hướng dẫn thế nào là video vi phạm thuần phong, mỹ tục và Bộ sẽ làm việc với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ công cụ phát hiện.
Về tin sai và tin giả trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là vấn đề toàn cầu. Tin giả về Việt Nam thường xảy ra trên nền tảng xuyên biên giới là Facebook và YouTube.
Tuy nhiên, Việt Nam có Luật An ninh mạng nên những nền tảng này phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. "Chúng ta cũng đã ban hành nghị định về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội giúp nâng cấp việc giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có khả năng phân loại và phát hiện sớm sai phạm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục sửa Nghị định về quản lý mạng xã hội, từ đó hạn chế tin giả. Bộ cũng sẽ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng để người sử dụng không thể nghĩ rằng “vô danh là vô trách nhiệm”.
Cùng với đó, các nền tảng xuyên biên giới cũng sẽ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các công ty xuyên biên giới có thu nhập phát sinh trên không gian mạng cũng sẽ phải đóng thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Từ thực tế này, Bộ trưởng cũng rút ra bài học, để quản lý an toàn thông tin trên không gian mạng, mức phạt phải có tính răn đe; dùng công nghệ cao để quản lý và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, yếu tố căn cơ tạo thêm việc làm
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phùng Thị Thường (Đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi về việc năm 2020, thiên tai, dịch bệnh đã mang tới nhiều rủi ro khiến công nhân mất việc gia tăng. Vậy ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ làm gì để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc tạo thu nhập và việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, dự báo đến hết năm 2020, sẽ tạo việc làm cho 7,8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2,48% là tỷ lệ chấp nhận được trong tình hình chung".
Để tạo việc làm cho người lao động, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải tăng trưởng kinh tế và phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tính toán việc đào tạo trước, trong, sau khi lao động có việc làm, thậm chí đào tạo lại nghề cho lực lượng lao động.
Đối với doanh nghiệp, phải tập trung nâng cao chất lượng quản trị nhân lực, đổi mới công nghệ bởi thực tế thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới quản trị đều tạo được việc làm tốt cho người lao động.
Bộ trưởng cũng cho rằng, một doanh nghiệp muốn phát triển cũng phải đi trước đón đầu, đào tạo lao động theo đơn đặt hàng và vị trí việc làm. Thêm vào đó, phải dự báo được cung - cầu lao động trong trung và dài hạn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian qua, các trường đào tạo nghề đã làm tốt việc đào tạo theo nhu cầu, học sinh ra trường có việc làm ngay, có thu nhập tốt; nếu đào tạo không gắn với thị trường và nhu cầu thực tế sẽ dẫn đến bất cập nảy sinh.
Số tiền thu hồi từ án tham nhũng, kinh tế gần 1.600 tỷ đồng
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) và ý kiến tranh luận của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong nhiệm kỳ này, toàn ngành Thi hành án đã tổ chức thi hành 3,5 triệu vụ với số tiền thu được làm tròn là hơn 200.000 tỷ đồng. Riêng năm 2020, số tiền thu hồi được đến thời điểm này được làm tròn là 54.000 tỷ đồng. Riêng với án tham nhũng, kinh tế, số tiền thu được gần 1.600 tỷ đồng.
Bộ trưởng thừa nhận, tỷ lệ số vụ và số tiền là thấp. Nguyên nhân về khách quan là nhiều vụ việc tuyên số tiền thất thoát rất lớn nhưng thực tế không tìm thấy. Ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tổng số tiền tuyên là hơn 15.000 tỷ đồng, mới thu hồi 400 tỷ đồng nằm rải rác ở khắp nơi và nhiều tài sản có tình trạng pháp lý chưa rõ, không thực hiện được; vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam đánh bạc ở Phú Thọ, dù rất cố gắng nhưng mới thu được gần 2.000 tỷ đồng trong số 3.700 tỷ đồng.
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng thừa nhận trong hệ thống thi hành án thời gian đầu chưa có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt; cán bộ thi hành án chưa tập trung, thiếu đôn đốc.
Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân, Bộ sẽ thực hiện giải pháp chỉ đạo quyết liệt, thành lập các tổ công tác đi làm việc từng nơi, từng địa phương, từng cơ quan thi hành án… để chọn ra một số vụ việc trọng tâm, trọng điểm, xác định giải pháp làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nêu: "Thực hiện nghiêm kết luận của Đoàn công tác số 3 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chúng ta nhìn việc thu hồi tài sản không phải chỉ riêng cơ quan thi hành án dân sự mà cả một hệ thống cơ quan, từ ngân hàng thẩm định cho vay cho đến các cơ quan tố tụng và các cơ quan tố tụng phải thực hiện tốt công việc của mình trong thu giữ các khoản tiền".
Bộ Tư pháp đang tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Bí thư ra chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng trong thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đã bỏ quy định gây vướng mắc trong thi đua khen thưởng
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) chất vấn về việc làm thế nào để công tác thi đua khen thưởng thực sự là động lực khi Thông tư số 12/2019/TT-BNV hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng gây nhiều vướng mắc?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tại khoản 7 điều 2 Thông tư 12 quy định, với những tổ chức, tập thể khi đề nghị khen thưởng có tổ chức Đảng phải được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Thời gian qua, sau phát hiện vấn đề trên chúng tôi đã cho sửa đổi. Tối 5-11, tôi đã ký Thông tư sửa đổi bổ sung, trong đó bỏ ngay điều trên và có hiệu lực trong ngày hôm nay”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích không hạn chế nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) về việc các cơ quan báo chí hoạt động theo mục đích, tôn chỉ liệu có ảnh hưởng tới mục tiêu chống tiêu cực, tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc cơ quan báo chí hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan chủ quản, từ đó thấy được bức tranh toàn cảnh về tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí nói chung.
Theo Bộ trưởng, điều này sẽ giúp các lĩnh vực của cuộc sống sẽ được các cơ quan báo chí phản ánh đa dạng, và sinh động; đồng thời khắc phục những điểm yếu của các cơ quan báo chí hiện nay. Bộ trưởng cũng đánh giá, thực tế, thời gian qua, có nhiều nhà báo đã được phân công tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích của tờ báo, dẫn đến nhiều sai phạm nảy sinh. Tới đây, Bộ sẽ rà soát và xử lý nghiêm những trường hợp này.
Giải trình thêm ý kiến của đại biểu về tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” của một số cơ quan báo chí thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, đây là thực trạng đã xảy ra và đỉnh điểm là năm 2017 với hàng chục vụ việc kiểu này đã được phát hiện. Năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông đã đã dùng công nghệ hiện đại, rà soát và phát hiện các cơ quan báo chí vi phạm, nhắc nhở và yêu cầu giải trình. Với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, đến nay, hiện tượng này đã giảm đáng kể.
Xác định việc xử lý rác là dịch vụ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) về giải pháp thay thế chôn lấp rác thải.
Bộ trưởng nêu, ngày 3-2-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thống nhất quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Từ đó đến nay, hiện trạng mỗi ngày trung bình có 35.000 tấn chất thải rắn đô thị và 28.400 tấn chất thải ở nông thôn; có 381 lò đốt, 37 lò sản xuất phân compost và gần 1.000 bãi chôn lấp.
Thời gian qua, mức thu gom rác tăng, đạt 92% ở đô thị và 66% ở nông thôn. Tuy nhiên, thực trạng chôn lấp rác tiếp tục gây ô nhiễm tài nguyên nguồn nước và lãng phí tài nguyên rác thải.
Các giải pháp được nêu ra là khuyến khích việc người dân phân loại rác, tái chế, tái sử dụng rác. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, huy động nhiều doanh nghiệp tham gia tái chế rác nhựa; xác định trách nhiệm của người gây ô nhiễm và có quy định trong luật; xác định người dân tham gia vào phân loại; Nhà nước hỗ trợ một phần vào công tác thu gom, xử lý rác thải bên cạnh đóng góp của người dân; xác định các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ cũng như xác định việc xử lý rác là dịch vụ sẽ tiến hành rộng rãi.
Nguyên nhân tỷ lệ thi hành án hành chính thấp
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Dung về tỷ lệ thi hành án hành chính thấp, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc thi hành án không phải là trách nhiệm của tòa án. Về thi hành án hình sự, sau khi có bản án thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, thi hành án dân sự thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp còn thi hành án hành chính trách nhiệm thuộc các bên.
"Chính vì không có cơ quan thứ ba làm trung gian, tính cưỡng chế không có nên tỷ lệ thi hành các bản án hành chính thấp", Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải và đề nghị "Quốc hội tổng kết, đưa giải pháp căn cơ để thay đổi vấn đề này".
Liên quan đến việc tranh tụng của luật sư mà đại biểu chất vấn, theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, tranh tụng được xem là giải pháp đột phá của quá trình cải cách tư pháp. Trong quá trình tranh tụng, tòa án không phải là chủ thể. Đối với vụ án hình sự, bên buộc tội và bên gỡ tội (Viện Kiểm sát và luật sư) là hai chủ thể chính.
“Tòa án có nhiệm vụ là tạo ra môi trường tranh tụng thuận lợi để các bên tranh tụng. Chúng tôi cho rằng, việc luật sư tham gia đúng luật chính là con đường để đi đến công lý nên chúng tôi tạo điều kiện tối đa cho luật sư trong quá trình tranh tụng. Trên thực tế, chúng tôi đã có chỉ đạo không hạn chế thời gian tham gia tranh tụng, tất cả vấn đề được nêu ra trong quá trình tranh tụng đều phải được giải quyết trong phiên tòa… Trên thực tế nhiều vụ án đã làm được việc này", Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của Công an cơ sở là cá biệt!
Mở đầu phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) về Luật An ninh mạng và một số câu hỏi có liên quan đến Bộ Công an.
Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, Bộ Công an đã tích cực xây dựng các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện và hiện nay đã cơ bản ban hành các nghị định, các quy định trong phạm vi của Luật An ninh mạng.
Cụ thể, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 04 ngày 27-12-2019 quy định trình tự thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo đảm an ninh mạng. Về danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ Công an đã dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng cũng đã hoàn tất và chờ Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo. Hiện do còn một số yêu cầu về đối ngoại và cân đối xem xét với một số quy định quốc tế và phù hợp với luật pháp Việt Nam nên chưa ban hành Nghị định và danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư được tham gia tố tụng, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, các cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã cấp 3.765 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can và 7.756 giấy chứng nhận bào chữa, cấp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tăng 17,08%.
Về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của một số cán bộ công an cấp cơ sở được đại biểu nêu, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, các hành vi trên nếu có chỉ là hết sức cá biệt. Thời gian qua, Bộ Công an đã triển khai lực lượng lớn công an chính quy xuống cơ sở, được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Quan điểm của Bộ là kiên quyết trong xử lý sai phạm tiêu cực, thực hiện nhiều biện pháp xử lý, không bao che bất cứ trường hợp nào. Biện pháp cụ thể là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng toàn lực lượng với quan điểm danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất; gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong quản lý cán bộ, nếu cán bộ vi phạm thì xử lý người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong lực lượng công an nhân dân; công khai minh bạch kết quả xử lý.
Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội là vấn đề đáng quan ngại
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn Thái Bình) hỏi về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xâm hại trẻ em và giải pháp phòng chống, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định đây là vấn đề đáng quan ngại.
Bộ trưởng nêu, gần đây, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có chiều hướng gia tăng. Năm 2020, đã xảy ra 1.113 vụ, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó có 212 vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau.
Để giải quyết tận gốc loại tội phạm này, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp về kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức lối sống, ý thức chấp hành luật pháp để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Trước mắt, để hạn chế tội phạm này, đề nghị các cấp, ngành cùng lực lượng công an tăng cường nắm tình hình, phối hợp giải quyết, hòa giải mọi mâu thuẫn trong nhân dân ngay khi mới phát sinh. Riêng lực lượng công an tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cơ sở, nhất là công an cấp xã, phường, góp phần giải quyết mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, ngăn ngừa điều kiện nảy sinh trong từng gia đình, quản lý tốt đối tượng manh động như "ngáo đá"…