Thấy cơ hội từ thách thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 07/11/2020
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên minh châu Âu, nhất là mặt hàng nông sản, thủy sản gia tăng, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài châu Âu, hàng hóa Việt Nam có mặt ở hầu hết các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Canada, ASEAN… Sau 13 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và thực thi, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam với gần 100 nền kinh tế trên thế giới ngày càng sôi động; doanh nghiệp được tiếp cận những thị trường lớn, có sức mua cao, còn hàng hóa Việt Nam nhận được ưu đãi về thuế suất để gia tăng lợi thế cạnh tranh…
Tuy nhiên, đi cùng các ưu đãi là những tiêu chuẩn khắt khe hơn, đặc biệt là về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ… Nhiều luật lệ mới cũng được áp dụng, mà đáng kể là cơ chế phòng vệ thương mại. Nếu không hiểu và nắm rõ, doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam có thể phải chịu mức thuế suất cao hơn rất nhiều so với ưu đãi được hưởng. Và thách thức hơn cả là hàng hóa từ các nước cũng tràn vào thị trường Việt Nam, tạo nên sức ép cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa trong nước, khi có tới 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu về công nghệ, vốn đầu tư, lại thiếu sự liên kết tạo thành chuỗi sản xuất - cung ứng đủ mạnh.
Vậy, hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức trong "cuộc chơi" mới?
Để giải quyết vấn đề này, trước hết là câu chuyện của chính các doanh nghiệp. Muốn nắm bắt thời cơ, hóa giải thách thức, mỗi doanh nghiệp phải hiểu rõ nội dung, khuôn khổ thực thi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; từ đó có kế hoạch đầu tư, kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật lệ. Bên cạnh đó là đầu tư bài bản cho khâu nghiên cứu thị trường và sản phẩm, để một mặt đưa ra thị trường sản phẩm đáp ứng thị hiếu, có sức cạnh tranh, mặt khác có thể linh hoạt, nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường. Giải pháp quan trọng nữa là doanh nghiệp phải biết liên kết tạo thành chuỗi sản xuất - cung ứng lâu dài và bền vững, nhằm tăng sức mạnh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam không chỉ trong xuất khẩu mà còn ở ngay thị trường nội địa. Đặc biệt cần lưu ý bài học thành công của một số doanh nghiệp khi đã sớm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo ra năng suất cao, chất lượng vượt trội, giá thành sản phẩm thấp.
Về phía cơ quan quản lý, việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết nhưng cũng phải đặt pháp luật lên hàng đầu. Không thể trợ giá sản phẩm nhưng có thể giúp doanh nghiệp kết nối thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Cơ quan quản lý cũng có thể bảo vệ doanh nghiệp và hàng hóa trong nước trước các vụ khởi kiện chống bán phá giá của nước ngoài; hoặc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước khởi kiện khi hàng hóa nước ngoài có dấu hiệu vi phạm cạnh tranh.
Ở tầm vĩ mô, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn là đòi hỏi cấp thiết. Đó là cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tận dụng cơ hội kinh doanh, tạo điều kiện để sớm có được những tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Biết chấp nhận và vượt lên thách thức, cơ hội chắc chắn sẽ đến với cộng đồng doanh nghiệp cũng như hàng hóa Việt Nam.