Đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng mới
Công nghệ - Ngày đăng : 07:21, 07/11/2020
Thực trạng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Phát triển năng lượng sạch và tái tạo ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khẩn trương xây dựng, thực thi các chiến lược, chính sách để phát triển năng lượng sạch và tái tạo với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều các nguồn lực về con người, khoa học - công nghệ và tài chính - tín dụng hướng tới xây dựng nền kinh tế các bon thấp.
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, để đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã khai thác nguồn thủy điện gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng nên Việt Nam đã và đang nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Do đó, cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng mới, năng lượng tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia.
Song song với chính sách và giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống như than, thủy điện… Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành các chính sách, cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, như: Nghị quyết số 55-NQ/TƯ về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh vấn đề xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện, hình thành, phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, các địa phương có lợi thế; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2050...
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, từ mức công suất không đáng kể vào năm 2018, đến nay, tổng công suất các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 10% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo vẫn chưa được phát triển nhanh, rộng tại Việt Nam.
Đẩy mạnh chuyển giao, làm chủ công nghệ
Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá cao về tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s, ở độ cao 65m, tương đương với công suất 512GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m là 7-8m/s), có thể tạo ra hơn 110GW. Bên cạnh đó, với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời.
Về mặt công nghệ, lĩnh vực năng lượng được xác định là một trong những lĩnh vực cần tập trung phát triển. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn, làm chủ cũng như phát triển và nội địa hóa công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực năng lượng, cần có sự đồng bộ của hệ thống chính sách cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển giao công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ.
Đối với ngành năng lượng, trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện năng. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, một trong các giải pháp quan trọng cho bài toán của ngành năng lượng là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời chuyển giao, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời. Điều này hoàn toàn khả thi với sự vào cuộc đồng bộ của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà khoa học; cùng với đó là sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản... và các hiệp hội năng lượng quốc tế.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hoàng, việc triển khai Nghị quyết 55-NQ/TƯ chính là cơ hội để tái cơ cấu toàn diện ngành năng lượng, từ nghiên cứu phát triển (R&D) đến đầu tư sản xuất, thương mại, thị trường... Đây cũng là cơ hội cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế theo hướng xanh, sạch hơn, giảm phát thải.