Tạo dựng cuộc sống, tương lai tươi đẹp
Xã hội - Ngày đăng : 07:13, 07/11/2020
Không có con đường cùng
Phóng viên Báo Hànộimới gặp bà Đào Phương Thanh (sinh năm 1968), là bệnh nhân HIV, đang làm việc tại phòng khám ngoại trú, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) khi bà vừa hoàn thành 3 chuyến đi hỗ trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ trở về. Vừa chỉ vào người dân lam lũ trên những tấm hình mang về làm kỷ niệm, bà Thanh vừa nói: “Tôi luôn nghĩ rằng, ở đời không có con đường cùng, dù gặp khó khăn, vất vả, đau thương thế nào, chỉ cần luôn cố gắng, khó khăn sẽ dần qua”.
Dừng câu chuyện về chương trình đồng hành với người dân miền Trung vượt khó, bà Đào Phương Thanh mở lòng kể với chúng tôi về hành trình vượt qua mặc cảm, tự ti của bản thân để sống tích cực. Theo lời kể, cuộc sống của bà từng là những tháng ngày chồng chất nỗi đau. Chồng của bà mất trong một vụ tai nạn tàu biển, khi bà đang mang thai con gái đầu lòng.
Trong thời gian gắng gượng vượt qua nỗi đau mất chồng để nuôi con, thì nỗi đau khác ập đến khi ba người thân khác của bà Thanh là bố, mẹ và em trai lần lượt xa bà mãi mãi. Chưa dừng lại ở đó, trong một lần chăm sóc người em trai có HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, bà bị kim dính máu đâm vào tay. Do chưa có kiến thức về điều trị phơi nhiễm, mũi kim oan nghiệt đó khiến bà Thanh trở thành bệnh nhân HIV vào năm 2004. “Nhận án tử, cuộc sống của tôi rơi vào bế tắc. Giữa lúc khó khăn nhất, hình ảnh con gái và các cháu nhỏ đã thức tỉnh tôi, nếu tôi đầu hàng số phận, thì ai sẽ nuôi chúng?”.
Vì cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn của chính bản thân và người thân, vì mong muốn người khác biết tình trạng bệnh tật để tránh bị lây nhiễm, cũng trong năm 2004, bà Thanh mạnh dạn công khai “Tôi là người có HIV”. Sau khi vượt qua mặc cảm, tự ti, bằng nghị lực sống phi thường, bà trở thành điểm tựa tinh thần của những người đồng cảnh. Bà Thanh lập nhóm tự lực Hoa Sữa với khẩu hiệu “Một ánh mắt thân thiện, một trái tim yêu thương - Vì chúng tôi, cho mọi người”. Trong nhiều năm hoạt động, ngoài việc tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, để đến nay, hơn 30 thành viên của nhóm Hoa Sữa đều có việc làm, cuộc sống ổn định…
Cá nhân bà Thanh cùng lúc làm nhiều công việc và ở vị trí nào bà cũng được mọi người tin tưởng, yêu mến, nhiều năm được các cơ quan, đơn vị chức năng biểu dương, vinh danh gương người tốt, việc tốt. Thời gian gần đây, bà Thanh không may mắc bệnh ung thư, nhưng bà vẫn luôn sống tích cực và làm việc tốt. Bởi đối với bà: “Còn sống là còn cống hiến”.
Ngoài trường hợp điển hình nêu trên, ở Hà Nội có không ít bệnh nhân HIV/AIDS vượt lên hoàn cảnh, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp như chị N.T.T đang làm thiết kế đồ họa cho một công ty của Đan Mạch có văn phòng tại Hà Nội; anh N.Đ.Đ. đang là sinh viên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất…
Sống để yêu thương
Cùng với sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng, đại đa số bệnh nhân HIV trên địa bàn Hà Nội luôn nhận được sự giúp đỡ của những người sống, làm việc xung quanh họ.
Gần 20 năm gắn bó với trẻ em có HIV, làm điều dưỡng viên tại Phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội), nơi đang nuôi dưỡng thường xuyên gần 70 trẻ có HIV, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch nhớ rõ quá trình trưởng thành của từng trẻ. Bà Lịch cho biết, cháu A.T bị bỏ rơi trước cổng trung tâm khi mới được ít ngày tuổi. Nhận được sự chăm sóc đầy đủ, cháu A.T ngoan ngoãn, lớn nhanh, thông minh, hoạt bát. Còn cháu P.A là đứa trẻ trầm tĩnh, biết quan tâm đến những người xung quanh…
Trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện 09 (Sở Y tế Hà Nội) không thể nhớ hết những câu chuyện buồn phía sau của bệnh nhân; không thể kể hết những nguy cơ, rủi ro có thể mắc phải trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ luôn duy trì thái độ thân thiện, gần gũi với bệnh nhân, lấy bệnh nhân làm trung tâm trong quá trình phục vụ, điều trị bệnh.
Từng là bệnh nhân điều trị tại đây vào năm 2016, chị N.T.T xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), cho biết: “Sự quan tâm, động viên, chữa trị kịp thời của y, bác sĩ Bệnh viện 09 đã giúp tôi nhận ra, cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp. Từ đó, tôi đã sống tích cực hơn. Hiện nay, sức khỏe của tôi đã cải thiện đáng kể”.
Trường hợp khác tích cực giúp đỡ người có HIV là ông Lê Trần Cung, ở cụm dân cư số 7, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình). Ông Cung được biết đến là người đi đầu trong việc phát động các phong trào gây quỹ giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Rõ nhất là việc ông đã xin được kinh phí từ dự án “Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS”, được triển khai tại Việt Nam từ năm 2007, để hỗ trợ một số người sau cai nghiện ma túy, người có nguy cơ mắc HIV/AIDS trên địa bàn phường Nguyễn Trung Trực có điều kiện làm ăn, cải thiện cuộc sống.
Những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn việc phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Hà Nội đã, đang nhận được sự chung tay hành động của cả cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS ở nước ta vào năm 2030.