Ngành Nông nghiệp: Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 2,8% - 3%

Nông nghiệp - Ngày đăng : 20:27, 08/11/2020

(HNMO) - Thời điểm hiện tại, các địa phương trong cả nước đang tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2,8-3% trong năm 2020…

Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa.

Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nội địa

10 tháng năm 2020, ngành Nông nghiệp đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức, từ việc dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và xuất khẩu nông sản của nước ta đến việc nhiều quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu nông sản. Chưa kể thời tiết cực đoan, bất thường; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nguy cơ tái phát...

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện tại, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp phục hồi tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường cuối năm. Trong đó có việc tái đàn, tăng đàn, khôi phục chăn nuôi lợn, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết: Thống kê trong tháng 10-2020, đàn gia cầm cả nước đạt khoảng 467 triệu con, tăng 4,3%; đàn lợn đạt gần 29 triệu con, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019...

Còn Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết: Đến nay cả nước đã gieo cấy được gần 7,3 triệu ha, giảm 206 nghìn héc ta so với cùng kỳ năm trước. Diện tích đã thu hoạch đạt khoảng 6,34 triệu héc ta, sản lượng khoảng 38 triệu tấn thóc. Mặc dù diện tích giảm, nhưng các địa phương đầu tư khoa học công nghệ cùng với các giống lúa có năng suất, chất lượng cao nên sản xuất lúa gạo không chỉ bảo đảm nguồn cung trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất, ngành Nông nghiệp đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn ở thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã tổ chức khoảng 15 hội chợ để xúc tiến tiêu thụ nông sản, quảng bá các mặt hàng đặc trưng của các địa phương.

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Trong 10 tháng năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng hơn 3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện đàn gia cầm của Hà Nội đạt 40,1 triệu con (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2019); đàn lợn đạt gần 1,4 triệu con (tăng 40%); đàn bò có 134.500 con (tăng 1,3%)… Đặc  biệt, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích trồng cây vụ đông năm 2020 lên 45.000 héc ta, tăng gần 13.000 héc ta so với năm trước với 5 nhóm cây trồng vụ đông chủ lực gồm: Đậu tương, lạc, khoai lang, hoa cây cảnh và rau các loại. Đến nay, Hà Nội bảo đảm được 35% nhu cầu về gạo; 65% nhu cầu về rau, củ, quả ; 15% nhu cầu về thịt bò; thịt gia cầm cơ bản đáp ứng đủ… còn lại nhập ở các tỉnh, thành phố khác.

Các địa phương tập trung tái đàn để bảo đảm nguồn cung thực phẩm và góp phần vào mục tiêu tăng trưởng.

Theo sát thị trường, tháo gỡ khó khăn

Còn gần 2 tháng nữa là hết năm 2020, ngành Nông nghiệp dự báo tình hình thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến khó lường. Tình hình tiêu thụ, xuất khẩu nông sản có chiều hướng tốt hơn nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 2,8%-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 4,1 tỷ USD… Ðể đạt mục tiêu này, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường... và đồng bộ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cùng với đó là tận dụng khai thác những thế mạnh từ dư địa để phát triển thị trường trong nước và tranh thủ thời cơ về nhu cầu thị trường quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin: Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung nông, lâm, thủy sản phục vụ các ngày lễ, tết cuối năm. Trước mắt là tổ chức các hội thảo và diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ nông sản vụ đông; rau gia vị, rau quả, thịt bò chất lượng cao,…. hội chợ Nông sản quốc tế Agroviet, hội chợ Làng nghề Việt Nam, phiên chợ nông sản chất lượng cao và an toàn tại Lâm Đồng.

Bên cạnh đó Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp nhằm cân bằng thương mại nông, lâm, thủy sản, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thương mại; phổ biến quy định thị trường, chính sách trong thúc đẩy thương mại nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh trên thế giới; đồng thời tập trung cho việc xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...  

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp cả nước, trong 2 tháng cuối năm, Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, rà soát diện tích ruộng bỏ không để triển khai các loại cây trồng cho phù hợp… Đặc biệt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc tái đàn lợn gắn với phòng chống dịch bệnh, để không xảy ra tình trạng khan hiếm thịt lợn và bình ổn giá thị trường...

Ngọc Quỳnh