Nhiều hoạt động kỷ niệm 650 năm Ngày mất danh nhân Chu Văn An
Văn hóa - Ngày đăng : 11:12, 09/11/2020
Trung tâm của chuỗi hoạt động là Lễ kỷ niệm 650 năm Ngày mất danh nhân Chu Văn An, được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 20-11. Trước đó, vào các ngày 13, 15 và 20-11, sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, lần lượt tại 3 điểm: Đền thờ danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì, quê hương của danh nhân; khu di tích đền thờ Chu Văn An tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi ông về dạy học khi ở ẩn và di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội, nơi ông từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Nằm trong chuỗi các hoạt động vinh danh danh nhân Chu Văn An còn có cuộc thi "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An" dành cho học sinh các trường học mang tên thầy giáo Chu Văn An của cả nước và các trường học khác tại Hà Nội. Cuộc thi được phát động từ tháng 6-2020, đến nay đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh đến từ hơn 30 trường học, lớp sáng tác. Các bài dự thi được thể hiện bằng nhiều hình thức như: Bài viết, thơ, kể chuyện, tiểu phẩm, phim hoạt hình, vẽ tranh, tranh thêu, tranh gốm, sáng tác ca khúc, tượng, viết thư pháp... Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào sáng 14-11 tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Một trong những hoạt động ý nghĩa khác nhằm tri ân thầy Chu Văn An là trưng bày chuyên đề: "Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu", được tổ chức tại nhà Tiền Đường, khu Thái Học, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ ngày 16-11 đến ngày 31-12-2020. Được trưng bày tại đây là những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ tiêu biểu với hai phần nội dung: Túc thanh cao - giới thiệu về con người, nhân cách, sự nghiệp giáo dục của danh nhân Chu Văn An; Gương Thầy sáng mãi - giới thiệu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như các hoạt động tôn vinh, học tập và phát huy tinh thần của thầy giáo Chu Văn An hiện nay.
Danh nhân Chu Văn An tên thật là Chu An, là nhà giáo, thầy thuốc, quan viên Đại Việt cuối thời Trần. Ông được coi là nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng của ông không những ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt, mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Sau khi mất, ông được vua Trần truy phong tước Văn Trinh công, được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá là ông tổ của các nhà nho nước Việt và Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". Tháng 11-2019, ông được Đại hội đồng UNESCO thế giới vinh danh và ra Nghị quyết cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm Ngày mất vào năm 2020.