Gấp rút triển khai phương án ứng phó bão số 12
Đời sống - Ngày đăng : 12:01, 09/11/2020
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 10h hôm nay (9-11), bão số 12 cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 360km, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khoảng 22h hôm nay, bão cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 200km với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Khoảng 10h ngày mai (10-11), bão sẽ đi vào đất liền ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10...
Do ảnh hưởng của bão nên từ đêm nay, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh, sóng biển cao 4-6m. Ngoài gió mạnh, từ chiều nay đến ngày 12-11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa xảy ra đợt mưa rất to, lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi cao hơn 400mm. Còn các tỉnh: Quảng Bình, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Từ đêm 9 đến 13-11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, khu vực Bắc Tây Nguyên ở mức báo động lũ cấp II - báo động lũ cấp III, có sông vượt báo động lũ cấp III... Vùng núi các tỉnh nêu trên có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...
“Ngoài bão số 12, khoảng đêm 11 đến rạng sáng 12-11, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13 trong năm 2020. Khoảng ngày 14-11, bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Bộ. Chúng tôi nhận định, bão số 13 sẽ đạt cường độ cấp 11 trên Biển Đông”, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm thông tin thêm tại cuộc họp.
Ứng phó với bão số 12, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện, tàu thuyền với 289.004 lao động trên biển biết diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Các tỉnh, thành phố đang huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ ngư dân gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản và di chuyển tài sản lên bờ... Nhiều tỉnh ven biển đang xem xét khả năng phát lệnh cấm biển trong ngày 9-11.
Các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng sơ tán 103.644 hộ dân với 403.426 người sinh sống tại những khu vực ảnh hưởng của bão, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; trong đó, tỉnh Bình Định dự kiến sơ tán 15.761 hộ dân với 64.530 người, tỉnh Phú Yên 30.162 hộ với 107.371 người, tỉnh Khánh Hòa 37.837 hộ với 151.349 người, tỉnh Ninh Thuận 9.529 hộ với 38.116 người...
Tuy nhiên, đáng lo ngại là hiện trên vùng biển tỉnh Bình Định vẫn còn 4 phương tiện, tàu thuyền với 29 lao động đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên còn 57.477ha rau màu và 52.067ha lúa chưa thu hoạch. Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận còn 9 vị trí đê xung yếu với tổng chiều dài 1,8km, 6 công trình đê, kè đang thi công dở dang với tổng chiều dài 1,37km, 122 hồ thủy lợi hư hỏng và 116 hồ thủy lợi khác đang thi công...
Kết luận cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn; huy động lực lượng, phương tiện thu hoạch nông sản, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi...
Ngoài nhiệm vụ trên, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện khắc phục nhanh hậu quả thiên tai xảy ra những ngày vừa qua; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ du hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu; chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn...
Tại Công điện số 13/CĐ-BTTTT ngày 9-11-2020 gửi sở thông tin và truyền thông 31 tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động sẵn sàng phương án chuyển vùng dịch vụ di động (roaming) tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão khi có yêu cầu.
Cùng với đó, Bộ đề nghị các nhà mạng sớm hoàn tất công tác khôi phục hệ thống thông tin liên lạc bị ảnh hưởng từ cơn bão số 9, gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới.
Đồng thời, các nhà mạng rà soát, kiểm tra, hạ tải thiết bị treo trên các cột, trụ ăng ten thu phát sóng di động tại các khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của bão số 12; triển khai sẵn sàng hệ thống nhắn tin cảnh báo tình hình bão, mưa lũ và chỉ đạo ứng phó thiên tai tới các thuê bao trên địa bàn có khả năng chịu ảnh hưởng khi có chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.