Giảm lỗ hơn 9.000 tỷ đồng qua kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Tài chính - Ngày đăng : 17:28, 09/11/2020
Trần chi phí lãi vay là 30%
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh thông tin, ngày 5-11-2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017).
Điểm đáng chú ý của nghị định là tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được nâng từ 20% lên 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ, cộng với lãi vay phát sinh trong kỳ, cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ, áp dụng ngay trong kỳ tính thuế năm 2019.
Tính toán của cơ quan thuế cho thấy, với quy định hồi tố năm 2017, 2018, việc nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay lên 30%, đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay, dự kiến, số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ khoảng 4.785 tỷ đồng.
Ngoài ra, bên cạnh đối tượng loại trừ áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 30% là tổ chức tín dụng và tổ chức kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP mở rộng thêm đối tượng loại trừ là các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).
Ông Đặng Ngọc Minh cũng khẳng định, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP không phân biệt doanh nghiệp liên kết với nước ngoài hay trong nước. Đây là xu hướng chung của quốc tế.
Giảm lỗ hơn 9.000 tỷ đồng qua kiểm tra các doanh nghiệp có quan hệ liên kết
Trả lời một số câu hỏi của báo chí, ông Đặng Ngọc Minh cho hay, các giải pháp cụ thể hóa trong Nghị định số 132/2020/NĐ-CP sẽ tăng cường trách nhiệm kê khai của các doanh nghiệp, trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước, từ đó giúp tăng thu ngân sách nhà nước.
Tính đến cuối năm 2019, khoảng 16.500 doanh nghiệp kê khai có quan hệ liên kết, trong đó 8.000 doanh nghiệp kê khai có giao dịch liên kết. Cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này. Số thuế truy thu của các năm 2017-2019 xoay quanh mức 2.000 tỷ đồng; đồng thời giảm lỗ rất lớn, riêng năm 2019 đã giảm lỗ đến 9.000 tỷ đồng.
9 tháng năm 2020, toàn ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra được 263 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 525,08 tỷ đồng; giảm lỗ 9.042,61 tỷ đồng; giảm khấu trừ 4,74 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.190,71 tỷ đồng.
Liên quan đến băn khoăn vì sao Nghị định số 132/2020/NĐ-CP loại trừ với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm mà không loại trừ các công ty chứng khoán, trong khi các công ty này cũng thực hiện hoạt động cho vay để đầu tư chứng khoán, ông Đặng Ngọc Minh lý giải, ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm có nhiệm vụ về kinh tế, xã hội riêng, trong khi hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán có những rủi ro hệ thống.
“Khi thành lập các công ty chứng khoán trực thuộc các ngân hàng thì cũng phải là 1 pháp nhân tách biệt để tránh lẫn lộn giữa vốn của công ty chứng khoán và ngân hàng liên quan. Do đó, Bộ Tài chính đã cân nhắc kỹ, không loại trừ các công ty chứng khoán, để bảo đảm công bằng với doanh nghiệp”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh lý giải.