EU gia hạn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ: Khó hóa giải mâu thuẫn

Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 10/11/2020

(HNM) - Ủy ban châu Âu đã quyết định gia hạn 1 năm khung trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ những tranh chấp trên biển giữa nước này với Hy Lạp. Tuy nhiên, biện pháp trên được cho là khó có thể hóa giải mâu thuẫn sâu sắc giữa hai nước.

Việc triển khai tàu khảo sát Oruc Reis đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Từ tháng 10-2019, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc khung trừng phạt được gia hạn đến ngày 12-11-2021 sẽ tiếp tục cho phép EU cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản đối với các cá nhân liên quan đến hoạt động thăm dò khí đốt gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải.

Động thái mới nhất của EU đã nối dài biện pháp bảo vệ Hy Lạp, một thành viên của khối và cũng là “đối thủ” của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp xoay quanh sự khác biệt về quan điểm trong chia sẻ tài nguyên cũng như phạm vi thềm lục địa của mỗi nước. Căng thẳng gần đây leo thang khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp vào tháng 8-2020. Trong khi Hy Lạp khẳng định hành động này là bất hợp pháp thì Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chỉ đang tiến hành thăm dò khí đốt trên vùng biển thuộc thềm lục địa của mình.

Tín hiệu khả quan từng xuất hiện vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ rút tàu Oruc Reis khỏi vùng biển tranh chấp hồi tháng 9-2020, động thái được cho là để mở đường cho các biện pháp ngoại giao trước thềm một hội nghị thượng đỉnh của EU. Tuy nhiên, tới ngày 14-10, con tàu Oruc Reis quay lại vùng biển này. Từ đó tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần gia hạn hoạt động của tàu Oruc Reis cùng hai tàu hộ tống là Ataman và Cengiz Han với lần gần đây nhất kéo dài đến ngày 14-11. Hành động quân sự trên biển cũng gia tăng càng khiến tình hình trở nên phức tạp, trong đó có việc các chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bay qua đảo Samos của Hy Lạp, động thái mà châu Âu coi là sự khiêu khích có chủ đích.

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho rằng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo thêm căng thẳng với EU. Trên thực tế, dù cần hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong việc giải bài toán khó về người di cư, nhưng EU vẫn phải đặt lợi ích toàn khối và sự đoàn kết của các nước thành viên là ưu tiên hàng đầu. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, căng thẳng với EU leo thang đồng nghĩa rằng con đường gia nhập “ngôi nhà chung” châu Âu mà nước này theo đuổi từ năm 1987 chắc chắn khó khăn hơn. Thời điểm hiện nay cũng rất nhạy cảm khi lãnh đạo các quốc gia EU đã lên lịch họp bàn vào tháng 12 tới để đánh giá các tiến triển từ phía Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tiến trình gia nhập liên minh.

Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nơi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là thành viên chưa đóng góp được nhiều vào việc giải tỏa mâu thuẫn cho dù Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có thể được xoa dịu. Nhiều quan điểm cho rằng, việc thiếu kiên quyết của NATO trong xử lý mâu thuẫn do lo lắng trước nguy cơ có thể mất đi một đồng minh hùng mạnh nằm tại vị trí địa lý chiến lược ở cửa ngõ Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Hy Lạp - quốc gia được xem như “chốt chặn” ở vùng Balkans cũng có vai trò hết sức quan trọng với liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.

Nhìn chung, việc EU quyết định tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ lần này đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng nước này cần cẩn trọng trong hành động của mình. Tuy nhiên, trừng phạt chưa hẳn là biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề khi mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên quan trực tiếp đến những lợi ích cốt lõi không dễ thỏa hiệp.

Hoàng Linh