Giải ngân vốn các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp: Cần đẩy nhanh tiến độ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 10/11/2020
Còn 3 dự án vướng mặt bằng
Ngay từ cuối năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát, tổng hợp, đề xuất danh mục các công trình đê điều, thủy lợi cần cải tạo, sửa chữa năm 2020. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trạng, đánh giá mức độ hư hỏng để đề xuất với UBND thành phố có phương án tu bổ.
Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh mục 101 dự án cải tạo, chống xuống cấp công trình đê điều, thủy lợi với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Trong đó, thành phố bố trí vốn cho 56 công trình đê điều, thủy lợi, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 229 tỷ đồng, thực hiện năm 2020. Ngoài ra, năm 2020, Sở được bố trí vốn cho 28 dự án xử lý cấp bách khắc phục sự cố sạt lở các công trình đê điều, thủy lợi, với tổng kinh phí 413,5 tỷ đồng (gồm cả vốn chuyển tiếp của năm 2018, 2019).
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, dù có nhiều cố gắng, nhưng việc giải ngân 229 tỷ đồng triển khai 56 dự án duy tu, sửa chữa, chống xuống cấp công trình đê điều, thủy lợi đến nay mới được 11% kế hoạch. Tương tự, 28 dự án xử lý cấp bách khắc phục sự cố sạt lở các công trình đê điều, thủy lợi tiến độ giải ngân có khá hơn, nhưng mới đạt 76% kế hoạch vốn giao.
Đáng chú ý, hiện 3 công trình xử lý cấp bách, gồm: Khu vực đê hữu Cầu (xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn), sạt lở bờ hữu sông Hồng thuộc địa bàn phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), sạt lở đê tả sông Cà Lồ thuộc thôn Đại Tảo, xã Xuân Giang và sạt lở thượng lưu đê bối sông Cà Lồ thuộc thôn Yên Phú, xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.
Ông Hoàng Văn Thanh (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) cho biết, nhân dân địa phương rất mong các cơ quan chức năng sớm hoàn thành công trình chống sạt lở thượng lưu đê bối sông Cà Lồ thuộc thôn Yên Phú, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Xử lý những hành vi cản trở, làm chậm tiến độ
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuân cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng đất thổ cư và một số quy định thay đổi về chi phí quản lý đầu tư (theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14-8-2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng) còn do các nguyên nhân chủ quan cần phải có giải pháp khắc phục sớm. Đó là năng lực một số đơn vị tư vấn thiết kế, thi công chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng tới chất lượng hồ sơ thiết kế và tiến độ thi công một số công trình.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân một số công trình đê, kè còn do việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xin ý kiến thỏa thuận kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên thời gian lập phương án xử lý kéo dài. Đơn cử như việc xử lý sự cố sạt lở bờ hữu sông Đà trên địa bàn xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) riêng thời gian khảo sát, lập phương án xử lý cần từ 12 đến 15 tháng.
Giám đốc Ban Duy tu các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Đinh Công Sơn cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, Ban sẽ rà soát, sàng lọc các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công để nâng chất lượng, tiến độ công tác thiết kế, thi công các dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
“Để đẩy nhanh thực hiện các dự án lĩnh vực đê điều, thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, đốc thúc các nhà thầu sớm hoàn thành theo kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra công vụ đối với các chủ đầu tư có tiến độ giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp so với mức bình quân chung của toàn thành phố; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, cố tình cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Đồng thời, cần đưa kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã là một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua cuối năm”, ông Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất.