Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đề cao tự lực tự cường, xây dựng nền kinh tế tự chủ

Chính trị - Ngày đăng : 11:53, 10/11/2020

(HNMO) - Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV sáng nay (10-11), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm rõ một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội nêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) và một số đại biểu khác về "mục tiêu kép" Việt Nam đang triển khai, Thủ tướng Chính phủ nêu, dịch Covid-19 đã diễn ra trên toàn cầu và đang quay trở lại ở một số quốc gia với tốc độ cao. Ngay trong giai đoạn đầu phòng, chống dịch, Việt Nam đã quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh không lây nhiễm ra cộng đồng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho nhân dân; đồng thời giữ vững ổn định xã hội, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, giữ tăng trưởng ở mức cần thiết.

Để thực hiện "mục tiêu kép" nêu trên, Thủ tướng cho rằng, phải đề cao tự lực tự cường; xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, an toàn hơn trong chuỗi cung ứng; bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng hơn nữa đến thị trường trong nước đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế; phát triển đồng thời nông nghiệp, công nghiệp tạo cân đối cho nền kinh tế, kết hợp công nghệ, kinh tế số, dịch vụ, tiếp thị…; phát triển đô thị với quy mô vừa phải, mật độ dân số thấp, đường sá rộng hơn, nhiều công viên, cây xanh; tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn mới, xây dựng hạ tầng văn hóa nông thôn, điều chỉnh hợp lý tình trạng di dân từ nông thôn ra thành thị.

“Chiếc bánh chỉ có thế, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”

Trước sự băn khoăn của một số đại biểu về làm thế nào để giữ cân đối các hoạt động quan trọng của đất nước khi bố trí tăng trưởng trên 6% gây hụt thu ngân sách, Thủ tướng nêu một số giải pháp, trong đó trước hết, cần tăng cường đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để vượt 6% GDP; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt vốn ODA từ gói đầu tư để giải quyết việc làm, xây dựng hạ tầng, nhất là những công trình đã báo cáo trước Quốc hội; cam kết khởi công sân bay Long Thành, đưa vào hoạt động đường sắt Cát Linh - Hà Đông; tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá trốn thuế; tiết kiệm triệt để chi ngân sách, nhất là những việc không cần thiết như họp hành, đi nước ngoài… 

Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả các cấp, ngành bám sát dự toán thu chi ngân sách, cương quyết bảo đảm tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2020 được Quốc hội giao không quá 4%. Khi cần thiết Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng chính sách tài khóa phù hợp, đồng thời yêu cầu giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, chúng ta cần kiểm soát tốt trên nhiều phương diện, giữ được ổn định vĩ mô. “Chiếc bánh chỉ có thế. Cha ông ta nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Nhiệm kỳ này phải làm được việc này để giữ được nền tảng cho thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Cán bộ, công chức chủ động thôi giữ chức khi uy tín hạn chế 

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề thu hút nhân tài cho đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng trình Bộ Chính trị… Thủ tướng bày tỏ tin tưởng các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần có tiêu chí để thực hiện chính sách được giao là thu hút nhân tài cho đất nước.

Theo Thủ tướng, nhân tài không chỉ làm ở cơ quan Đảng, Nhà nước mà còn có thể làm ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hợp tác xã. Nhưng riêng khối Nhà nước, cần tìm cách để thu hút nhân tài để quản trị.

Trước chất vấn của đại biểu về việc có văn hóa từ chức trong cán bộ, công chức không, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Luật Cán bộ, công chức đã quy định vấn đề từ chức, đó là cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý không đủ năng lực, uy tín theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do chính đáng khác thì được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ. Quyết định của Thủ tướng cũng nêu, cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo chủ động xin thôi giữ chức vụ khi thấy bản thân còn hạn chế về uy tín. 

“Văn hóa từ chức là có và đã có văn bản pháp luật”, Thủ tướng khẳng định.

Cũng trong phần trả lời chất vấn, Thủ tướng đã dành thời gian trả lời về các giải pháp phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, sửa các chính sách để gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đến được với người dân và doanh nghiệp kịp thời hơn. 

Thủy Hân