Tiếp tục tranh luận có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật

Chính trị - Ngày đăng : 15:11, 11/11/2020

(HNMO) - Sáng 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các đại biểu đã bày tỏ nhiều băn khoăn về việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe (bằng lái) cho Bộ Công an thực hiện hay vẫn để Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc đồng ý hay không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự thảo luật như hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Tránh lãng phí nguồn lực

Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Trần Ngọc Khánh (Đoàn Khánh Hòa) cho biết, cả nước hiện nay có 340 cơ sở đào tạo cấp bằng lái xe. Hầu hết cơ sở này đã được xã hội hóa. Nếu để Bộ Giao thông Vận tải quản lý hay chuyển sang Bộ Công an thì vẫn là do tư nhân làm nhiệm vụ đào tạo, cấp chứng chỉ cho người học lái xe.

Còn đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an thì sẽ lãng phí nguồn lực về con người và cơ sở vật chất.

“Do vậy, Ban soạn thảo cần làm rõ số cơ sở vật chất của các trung tâm đào tạo, sát hạch bằng lái xe được sắp xếp thế nào? Số cán bộ hiện nay ở các cơ sở đào tạo, sát hạch sẽ làm gì trong thời gian tới, vì họ không phải là công an. Nếu không đánh giá được như vậy thì lực lượng này có nguy cơ mất việc, trong khi đó lại làm phình bộ máy của ngành Công an”, đại biểu Cầm Thị Mẫn phân tích.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Đoàn Thanh Hóa) cũng đặt vấn đề: “Tôi thấy chưa có phân tích rõ ràng khi chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an thì Bộ Công an có tăng biên chế hay không, có tăng chi phí đào tạo hay không?”. Theo đại biểu, bởi ngay cả khi Chính phủ có khẳng định không tăng biên chế, nhưng thực tế vẫn phải có cán bộ hưởng ngân sách để làm việc này.

Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết, hiện nay, phần lớn cơ sở đào tạo lái xe chuyển sang xã hội hóa. Các cơ sở sát hạch thì có nơi Bộ Giao thông Vận tải làm, có nơi các trường nghề làm. Bộ Quốc phòng phụ trách cấp phép lĩnh vực quốc phòng, Bộ Công an cấp bên công an, còn dân sự giao cho Bộ Giao thông Vận tải.

“Hiện nay có hơn 2.000 cán bộ, công chức và 22.000 tỷ đồng đã được chi vào đây. Mục tiêu của chúng ta là phải tập trung chuyên môn hóa, lực lượng vũ trang cần làm những gì liên quan đến lĩnh vực của mình, còn dân sự thì để theo hướng xã hội hóa, chúng ta chỉ quản lý nhà nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.

Đánh giá tác động khi tách luật

Góp ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn thành phố Hà Nội) lại cho rằng khi sửa luật, mục tiêu cần hướng tới là bảo đảm thị trường vận tải phát triển ổn định, cạnh tranh lành mạnh. Công tác quy hoạch giao thông cần đưa vào khuôn khổ và làm thật chặt chẽ. Đại biểu cũng cho rằng, dự án luật cần quan tâm đến hướng dẫn tổ chức giao thông bởi nhiều quốc gia trên thế giới đã làm tốt vấn đề này và tiết kiệm được nguồn chi phí lớn.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc đồng ý hay không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự thảo luật như hiện nay.

Theo đại biểu Đào Việt Trung (Đoàn Nam Định), khi chưa có quyết định cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên có hình thức lấy ý kiến của các đại biểu về việc có đồng ý hay không đồng ý tách 2 dự thảo luật như đang trình hiện nay không, sau đó mới bàn về nội dung của luật để tránh lãng phí thời gian, vật chất.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, sau phiên thảo luận này cần lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc: Có nên tách luật Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật hay không, sau đó mới bàn tiếp các vấn đề tiếp theo.

Thảo luận tại tổ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nói rõ thêm về việc “Vì sao tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật”. Theo Bộ trưởng, tách luật nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng và rất bức xúc trong xã hội hiện nay. Một là phải tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ. Hai là làm sao giải quyết trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đại tướng Tô Lâm.

Đại tướng Tô Lâm cho biết, với trách nhiệm được giao bảo đảm trật tự an toàn xã hội thì Bộ Công an “không thể đứng ngoài” trong bảo đảm an toàn giao thông. Bộ trưởng cũng khẳng định, việc tách luật cần làm khẩn trương vì “tình hình không cho phép chúng ta chậm trễ hơn nữa”.

Trước băn khoăn có lãng phí hay không khi tách luật, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Việc này không làm phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Nếu giao cho công an thì chúng tôi có lực lượng Cảnh sát giao thông và phối hợp các lực lượng khác khi cần tăng cường trong các dịp cao điểm”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, bộ máy của ngành Công an cũng không phát sinh, thậm chí người làm nhiệm vụ trên đường sẽ giảm.

Nguyên Anh