Tận dụng tốt cơ hội

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 12/11/2020

(HNM) - Thời gian qua, bất chấp những khó khăn chung do dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của cơ quan quản lý, 10 tháng năm 2020, có 2.000 dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; cùng với đó, nhiều nhà đầu tư đang có mặt tại nước ta có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo của các đơn vị tư vấn bất động sản cũng cho thấy, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại các địa phương lớn tăng cao trong bối cảnh nguồn cung đất công nghiệp hạn chế. Nói cách khác, thị trường bất động sản công nghiệp đứng trước cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới.

Những tín hiệu lạc quan nói trên bắt nguồn từ nền kinh tế nước ta đang hồi phục, môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện và nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực. Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư trong xu hướng phân tán rủi ro, tái cơ cấu sản xuất của toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn của thế giới, và bất động sản công nghiệp là một yếu tố quan trọng, thu hút những dự án đầu tư lớn, những nhà đầu tư “đại bàng”.

Vậy, cần làm gì để tận dụng được cơ hội này?

Thực tế, không phải khu công nghiệp nào cũng nhận được sự quan tâm do lựa chọn hàng đầu để đặt xưởng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài chính là các khu công nghiệp đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Vì thế, nếu chủ đầu tư dự án khu công nghiệp không có quy hoạch tốt, không có kết nối đồng bộ, không thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý thì sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Ngoài những ưu đãi chung của Nhà nước cho từng khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài còn quan tâm tới mạng lưới cung cấp nguyên liệu, vật tư phụ trợ; thủ tục cấp phép đầu tư có thông thoáng hay không; thời gian cấp phép có đáp ứng đủ tiến độ triển khai dự án hay không… Đây là những vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi phát triển bất động sản công nghiệp.

Vì vậy, để thu hút làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp, vai trò của chính quyền địa phương trong hoạch định quy hoạch, kết nối hạ tầng; hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính... là rất quan trọng.

Riêng góc độ quy hoạch, ngoài vai trò của từng địa phương còn cần sự điều phối chung giữa các địa phương. Việc này nhằm phát triển các khu công nghiệp không chỉ về số lượng và quy mô, mà còn bảo đảm bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết ngành, liên kết phát triển kinh tế vùng; không dàn đều theo địa giới hành chính hay phát triển tràn lan.

Bất động sản công nghiệp trong giai đoạn này có thể xem là “cơ hội vàng” nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng mang lại lợi nhuận, đặc biệt khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia, mức độ cạnh tranh càng lớn. Vì thế, các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp cần phải thay đổi tư duy, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại; dự án khu công nghiệp kết hợp đô thị, dịch vụ, tạo lập môi trường sống và làm việc đồng bộ...

Cơ hội đã rất rõ ràng nhưng quan trọng hơn cả là làm sao tận dụng tốt cơ hội. Quyết tâm xây dựng một môi trường đầu tư thân thiện, phát triển hệ thống khu công nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư, đạt hiệu quả kinh tế, tin chắc sẽ đón được thêm nhiều nhà đầu tư "đại bàng" lớn đến với "vùng đất lành" Việt Nam.

Văn Ngọc Thủy