Xây dựng thế trận lòng dân trong bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Chính trị - Ngày đăng : 12:52, 12/11/2020
Củng cố lực lượng bảo vệ an ninh tại cơ sở
Theo dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chính phủ đề xuất thống nhất tên gọi của ba lực lượng gồm: Bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có con dấu riêng. Tổng số lực lượng này trong phạm vi toàn quốc là 750.000 người.
Góp ý về dự án Luật, đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc ban hành Luật là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm đường lối của Đảng, củng cố lực lượng an ninh cơ sở, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đồng thời rà soát tinh giản biên chế, ngân sách. Theo đại biểu, kể từ khi triển khai lực lượng công an chính quy xuống địa bàn xã, lực lượng công an bán chính quy đã giảm mạnh, chỉ còn một phần so với trước đây. Nếu không có chế độ chính sách tốt, sẽ khó duy trì được lực lượng này.
Theo đại biểu Đào Thanh Hải, nguyên nhân là do phụ cấp cho lực lượng công an xã bán chính quy còn thấp, 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Chung quan điểm, đại biểu Phạm Quang Thanh (Đoàn Hà Nội) dẫn ví dụ tại huyện Sóc Sơn có nhiều xã, bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND từng đảm nhiệm vị trí công an bán chuyên trách. Theo đại biểu, hiện việc động viên người làm cán bộ xã rất khó, đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội. Bởi mức lương của công nhân các nhà máy ở các khu công nghiệp hiện còn cao hơn nhiều so với lương của cán bộ xã. Từ thực tế này, đại biểu ủng hộ việc ban hành Luật nhằm tạo hành lang pháp lý để các lực lượng bán chuyên trách hoạt động tốt hơn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng, dự án Luật này sẽ kiện toàn việc tổ chức và đưa những người dân, những người có trách nhiệm, tâm huyết, đủ điều kiện cùng tham gia với lực lượng công an, chính quyền, quân đội để bảo đảm trật tự an ninh ở cơ sở. Bộ trưởng cũng khẳng định, Luật này không khác xa mấy so với Luật Dân quân tự vệ và nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thế trận lòng dân - thành trì vững chắc bảo vệ an ninh ở cơ sở
Nêu ý kiến về dự án Luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, qua tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng, việc tăng cường bảo vệ an ninh trật tự ở nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng, trên phạm vi cả nước chứ không riêng gì địa phương nào. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, nếu an ninh trật tự cơ sở không được bảo đảm thì sẽ tác động tiêu cực, khiến tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật nảy sinh. Thực tế cũng cho thấy, chỉ cần có “bóng dáng” người mặc sắc phục bảo vệ an ninh trật tự thì tội phạm cũng không dám lộng hành. Nếu lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được đào tạo chính quy, có nghiệp vụ, kỹ năng tốt thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều, từ cái đó cũng sẽ tránh được bất cập vì nể nang do có quan hệ dòng tộc mà không xử lý nghiêm sai phạm.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng cho rằng, cần đánh giá phạm vi điều chỉnh của dự Luật, bởi vì việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn không chỉ có các lực lượng như: Bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách mà cần phải huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội nhằm xây dựng thế trận lòng dân vững chắc để bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên dẫn câu chuyện một Việt kiều đến thành phố Hồ Chí Minh, ở một khách sạn sang trọng, lịch sự nhưng khi đi ra khỏi khách sạn thì được bảo vệ lưu ý phải cẩn thận để không bị giật túi. Từ thực tế này, đại biểu cho rằng, một thành phố muốn phát triển trước hết phải an toàn.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng bày tỏ đồng tình với việc ban hành Luật, nhưng đề nghị phải xem xét chế độ hỗ trợ, tổ chức lực lượng... bởi một địa phương mà để người già và các “hiệp sĩ” đường phố phải ra tay trấn áp tội phạm thì người quản lý, cơ quan quản lý trật tự xã hội phải cảm thấy không ổn.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cũng góp ý, khi xây dựng lực lượng nào thì cũng phải xây dựng cơ chế, chính sách cho họ. Trong khi đó, dự thảo Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở lại chưa nói đến vấn đề kinh phí bảo đảm cho lực lượng này. Đại biểu đề xuất cần làm tốt chính sách đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ này chứ không nên thành lập lực lượng mới nhằm bảo đảm cơ chế, chính sách cho những người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.