Bão số 13 có đường đi khó đoán định

Công nghệ - Ngày đăng : 11:42, 13/11/2020

(HNMO) - Sáng 13-11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão số 13 với 10 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định. Đồng chủ trì cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kết luận chỉ đạo ứng phó với bão số 13.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, 10h hôm nay (13-11), bão số 13 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10h ngày 14-11, bão đi vào vùng biển phía Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Khoảng ngày 15-11, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11…

Do ảnh hưởng của bão nên từ ngày 14 đến 16-11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam xảy ra đợt mưa to đến rất to với lượng mưa 150-250mm, có nơi cao hơn 350mm… Trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi xảy ra đợt lũ ở mức báo động cấp II đến báo động cấp III. Các tỉnh nêu trên có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ về công tác ứng phó với bão số 13, lãnh đạo các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… cho biết, tất cả tàu thuyền hoạt động trên biển đã thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão và vào nơi neo đậu an toàn. Tỉnh Quảng Nam đã rà soát và chuẩn bị phương án sơ tán khoảng 161.000 hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất. Dự kiến trước 12h trưa mai (14-11), tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành công tác sơ tán dân tránh bão và các tai biến sau bão…

Tương tự, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến đến 10h ngày mai sẽ hoàn thành công tác sơ tán 19.000 hộ dân tránh bão, đề phòng các nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; đồng thời, xây dựng các kịch bản mưa lớn và phương án ứng phó, chống cô lập... Tỉnh Thanh Hóa lệnh cấm biển từ 19h hôm nay… 

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương đây là cơn bão rất mạnh và có đường đi rất khó đoán định. Ngoài gió và sóng mạnh làm chìm tàu thuyền trên biển, hoàn lưu của bão còn gây ra đợt mưa lớn, tiếp tục tạo ra các nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất tại những tỉnh, thành phố vừa chịu thiệt hại lớn vì thiên tai; trong đó, nhiều nơi chưa khắc phục xong… Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố cần khẩn trương triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó, bảo đảm mục tiêu giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người…

Kết luận chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát tàu thuyền, bảo đảm trên vùng biển ảnh hưởng của bão không còn phương tiện nào hoạt động. Song song đó, phải bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền tại khu vực neo đậu...

Cùng với việc bảo đảm an toàn trên biển, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán người dân tại những khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tập trung kiểm tra, rà soát, vận hành và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, thủy điện, bảo đảm an toàn hệ thống điện, viễn thông, giao thông… 

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng tiếp tục huy động lực lượng phương tiện hỗ trợ các địa phương triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó với bão số 13. “Các địa phương cần phát huy phương châm “4 tại chỗ”, nhất là trong các tình huống cứu hộ, cứu nạn. Các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ của các địa phương để kịp thời cứu người dân khi gặp nạn…”, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Kim Nhuệ