Dư luận quốc tế: Việt Nam đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN

Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 13/11/2020

(HNM) - Ngày 12-11, tuần lễ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là dịp quan trọng để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đưa ra những quyết sách quan trọng về phương hướng hợp tác và quan hệ với các đối tác, đối sách của ASEAN với các vấn đề khu vực và quốc tế. Dịp này, dư luận quốc tế đã có những đánh giá tích cực về vai trò của Việt Nam trong năm nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN.

Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc trong việc đoàn kết các thành viên ASEAN cùng hành động.

Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC), ông Lee Hyuk nhận định trong 25 năm qua, Việt Nam không chỉ trở thành một phần không thể tách rời của ASEAN mà còn là một trong những động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần vào sự thịnh vượng của khu vực. Ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã phải đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, tần suất thiên tai ngày càng tăng do biến đổi khí hậu...

Khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam lại phải đối mặt với khó khăn lớn hơn trong vai trò Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc, không chỉ trong việc ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh trong nước mà còn trong việc đoàn kết các thành viên ASEAN cùng hành động.

Thông qua nhiều hội nghị trực tuyến ở cả cấp cao và cấp bộ trưởng, Việt Nam đã đưa các nước trong khu vực xích lại gần nhau để chia sẻ thông tin về dịch Covid-19; hỗ trợ thiết bị y tế các nơi bị ảnh hưởng; tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho các cá nhân có vai trò thiết yếu; cam kết mở cửa, tự do thương mại và giảm thiểu tác động của việc gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trang Modern Diplomacy - chuyên phân tích và bình luận các vấn đề quốc tế - cũng đăng bài viết đánh giá tổng quan sự thể hiện của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Đáng chú ý, chương trình nghị sự của ASEAN trong năm 2020 được đề ra dưới sự chủ trì của Việt Nam đều hướng đến hội nhập kinh tế, xây dựng các giao thức chung trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và các biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19.

Bài viết cho rằng, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả việc đánh giá toàn diện các cơ chế của khối, đồng thời xem xét các tài liệu liên quan đến kế hoạch chi tiết của Cộng đồng ASEAN. Một trong những khó khăn lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong năm qua là tiến hành các hội nghị trực tuyến và nâng cao sự hiểu biết giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Tại các cuộc họp, Việt Nam đã giải quyết rất khéo léo tất cả các khía cạnh, thông qua hơn 40 văn kiện trong cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN tháng 9 vừa qua. Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động cho Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Một trong những điểm nổi bật là thảo luận vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp cấp bộ trưởng.

Ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện ISEAS-Yusof Ishak kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc ISEAS, Singapore khẳng định, 2020 là năm đặc biệt khó khăn và Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trước tất cả những khó khăn và trở ngại. Trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã bảo đảm sự quan tâm đồng đều của khối dành cho các cuộc thảo luận về những biện pháp đối phó trước mắt với dịch bệnh cũng như các kế hoạch phục hồi dài hạn sau đại dịch.

Theo ông Choi, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam cũng lưu tâm các vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu, hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, số hóa và Biển Đông. Khi dịch bệnh lan rộng và các nước phải đóng cửa biên giới hồi tháng 3-2020, Việt Nam đã có sáng kiến chủ động chuyển sang hình thức họp trực tuyến ở các cấp khác nhau. Hình thức họp này đã khắc phục những trở ngại, tiết kiệm thời gian và đem lại những động lực mới.

Quỳnh Dương