Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020: Chuyển đổi để phát triển

Du lịch - Ngày đăng : 11:47, 14/11/2020

(HNMCT) - Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM từ lâu đã là “sân chơi” cho các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực du lịch. Sau 3 lần hoãn vì dịch Covid-19, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 18 đến 21-11-2020. Với chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam”, Hội chợ khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức đưa ra sáng kiến về quản lý, kinh doanh và hoạt động du lịch gắn kết với thực hiện chuyển đổi số để du lịch Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong các năm tới.

Du khách chọn mua tour tại Hội chợ VITM 2019.

"Sân chơi" chung ý nghĩa

Đã trở thành sự kiện thường niên, Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội luôn được người dân, các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức du lịch chờ đón. Từ năm 2016 đến năm 2019, trung bình mỗi năm, Hội chợ thu hút khoảng 60 nghìn đến 80 nghìn lượt khách tham quan, khoảng 500 gian hàng với 700 đơn vị của hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Số lượng tour và sản phẩm du lịch bán tại hội chợ tăng mạnh qua mỗi năm, mang về doanh thu trực tiếp tăng từ 202 tỷ đồng (năm 2016) lên 350 tỷ đồng (2019). Những con số đó cho thấy hiệu quả của một “sân chơi” chung đã trở thành thương hiệu của ngành Du lịch.

Đại diện cho doanh nghiệp từng tham gia nhiều kỳ Hội chợ VITM, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng: “Từ trước đến nay, Hội chợ VITM vẫn là một trong những sự kiện lớn nhất của du lịch Việt Nam, là “sân chơi” để các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ giới thiệu sản phẩm. Việc lùi thời gian tổ chức vào thời điểm cuối năm nay sẽ giúp các doanh nghiệp đo được nhu cầu thị trường du lịch nội địa năm 2021 để có chiến lược kinh doanh phù hợp”.

Bên cạnh mục tiêu tạo cơ hội cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và thúc đẩy phát triển du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2020 cho rằng: “Hội chợ lần này sẽ góp phần khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 thông qua việc triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho du lịch inbound (khách du lịch vào Việt Nam) và outbound (khách du lịch ra nước ngoài), tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp thảo luận về triển vọng của ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19”.

Một gian hàng tại Hội chợ VITM 2019.

Nhiều nét mới

Với chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam”, Hội chợ năm nay tập trung vào các hoạt động nhằm đưa các doanh nghiệp, tổ chức tiệm cận với công nghệ 4.0, tìm giải pháp để du lịch Việt Nam bắt kịp xu hướng mới và duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới. “Chuyển đổi số sẽ thay đổi bản chất của ngành Du lịch trở thành ngành Công nghiệp dịch vụ số. Đó là xu hướng tất yếu mà thế giới đã thực hiện. Quá trình này cần được thúc đẩy sớm để giảm thiểu thiệt hại của doanh nghiệp và ngành Du lịch”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.

Vì thế, tại hội chợ, Ban tổ chức dành riêng một khu vực cho các công ty công nghệ giới thiệu các công nghệ hiện đại, cách ứng dụng vào hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch. Cũng tại đây, các công ty công nghệ sẽ đào tạo, tập huấn miễn phí cho các doanh nghiệp du lịch về công nghệ số. Trong khuôn khổ hội chợ, một mạng xã hội về du lịch sẽ được hình thành để du khách trao đổi, tham khảo, đánh giá chất lượng các điểm đến, sản phẩm du lịch của các công ty để có lựa chọn tốt nhất cho mình.

Bên cạnh xu hướng chuyển đổi công nghệ số, cùng với các tour khuyến mại, nhiều doanh nghiệp mang tới hội chợ những dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới. Công ty Flamingo Redtours tập trung vào các dòng sản phẩm du lịch nội địa mang tính chuyên đề như: Khám phá các dòng sông, những vùng đất mới, các cực của Tổ quốc hay tour săn mây... Bên cạnh đó, Flamingo Redtours tập trung vào xu hướng du lịch tại chỗ - stay cation với thế mạnh là các sản phẩm có sẵn trong hệ sinh thái du lịch của công ty. Còn Công ty Vietravel sẽ mang đến hội chợ gói tour du thuyền cao cấp với mức giá “dễ thở” để du khách có những lựa chọn lý tưởng cho mùa du lịch cuối năm.

Một nét mới nữa trong hội chợ là việc  thảo luận để hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng đầu bếp du lịch. Ông Vũ Thế Bình cho biết: “Việt Nam hiện có hơn 50 nghìn đầu bếp phục vụ trong ngành Du lịch. Việc xếp hạng nghề đầu bếp và các ngành nghề khác sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa đội ngũ phục vụ du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiệp hội Đầu bếp sẽ tổ chức tập huấn, xếp hạng để công nhận các nghệ nhân ẩm thực phục vụ du lịch, nhằm giúp ẩm thực Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực”.

Bài và ảnh: Bảo Khánh