Kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông: Cần giải pháp quyết liệt và đồng bộ
Giao thông - Ngày đăng : 06:33, 14/11/2020
Báo Hànộimới ghi nhận được nhiều ý kiến của cán bộ, người dân Thủ đô bày tỏ mong muốn với các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông sớm khắc phục.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân:
Xử lý nghiêm xe dừng, đỗ đón trả khách, bốc dỡ hàng không đúng quy định
Thanh Xuân là địa bàn rộng, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm, đặc biệt có đường Vành đai 3 trên cao chạy qua với lượng phương tiện tham gia giao thông hằng ngày rất lớn. Nhằm hạn chế tối đa ùn tắc giao thông, quận chỉ đạo tăng cường sự phối hợp lực lượng liên ngành tuần tra, chốt trực tại các tuyến đường dễ xảy ra ùn ứ giao thông như: Nguyễn Xiển, Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh, Vũ Trọng Phụng và đường lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao. Nhờ đó, tình trạng ùn tắc giao thông cơ bản được kiềm chế.
Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý IV-2020 theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, quận chỉ đạo lực lượng công an, UBND các phường rà soát các cửa hàng kinh doanh thuộc địa bàn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và xử phạt nặng các trường hợp cố tình vi phạm; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát trật tự tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông trong các khung giờ cao điểm...
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội):
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Địa bàn của Đội Cảnh sát giao thông số 14 quản lý có 2 bến xe lớn (Bến xe Nước Ngầm và Bến xe Giáp Bát), ga đường sắt Giáp Bát, cầu Thanh Trì, đường trên cao, đường gom, quốc lộ 1... nên tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông rất dễ xảy ra. Qua khảo sát, Đội xác định có 38 điểm dễ xảy ra ùn tắc giao thông. Đơn vị đã phối hợp với Công an quận Hoàng Mai phân công lực lượng phân luồng phương tiện, bảo đảm trật tự giao thông tại từng điểm. Nhằm bảo đảm an toàn giao thông từ nay đến cuối năm 2020, Đội sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Ông Lê Tiến Đạt, đảng viên chi bộ số 17, phường Thượng Thanh (quận Long Biên):
Cần những giải pháp rất quyết liệt và đồng bộ
Trước đây vài năm, tình trạng ùn tắc giao thông chỉ xảy ra tại các tuyến đường nội đô, nay đã “lan” ra cả các tuyến đường vành đai, đường cao tốc trên cao, các tuyến đường cửa ngõ thành phố, thậm chí cả các khu đô thị ven ngoại thành. Để góp phần kéo giảm ùn tắc và số vụ tai nạn giao thông, mỗi người cần nâng cao hiểu biết của mình về Luật Giao thông đường bộ; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông; tuyệt đối không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán…
Theo tôi, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông dịp cuối năm, về phía lực lượng chức năng, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc; nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành đúng quy định; xử lý triệt để các lỗi là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.
Đảng viên Lê Thị Ánh Dương, Chi bộ thôn Phụ Khang, xã Đường Lâm (thị xã SơnTây):
Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng
Theo các chuyên gia kinh tế, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với thành phố Hà Nội dao động từ 1 đến 1,2 tỷ USD/năm. Tác động của ùn tắc giao thông tới kinh tế - xã hội là rất lớn. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng giao thông bất hợp lý. Nhìn từ các tuyến đường “cửa ngõ” Thủ đô như: Trục Lê Văn Lương kéo dài; đường Nguyễn Trãi - Trần Phú; đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy; đường Nguyễn Văn Cừ..., đâu đâu cũng thấy các chung cư cao tầng vây kín, trong khi lòng đường lại quá hẹp và dường như không thể mở rộng.
Để khắc phục tình trạng này, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, Hà Nội cần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt; hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các khu vực, tuyến trọng điểm và trong giờ cao điểm.