Nông nghiệp Việt Nam phát triển hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu
Nông nghiệp - Ngày đăng : 12:53, 14/11/2020
Đến dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố cùng hơn 400 đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông. Đây được xem là ngày hoạt động chính thức đầu tiên của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 16-8-2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 14-11 hằng năm là "Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam".
Trong suốt 75 năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ, trưởng thành về nhiều mặt; liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai có hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt 2,8-3%. Nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2020, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến đạt khoảng 41 tỷ USD.
Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 200 thị trường trên thế giới… Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới; trong đó, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và 5 mặt hàng (trái cây, hạt điều, gạo, tôm, đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Trong xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 165/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 150 đơn vị so với năm 2015. Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước đã có 2.400 sản phẩm được phân hạng và công nhận OCOP...
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng những thành tích to lớn và biểu dương phong trào thi đua yêu nước của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt được trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020.
Để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với mô hình tăng trưởng nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Trong xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển toàn diện nông thôn mới, nhất là nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại...
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vinh dự nhận Huân chương Lao động của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...