Đừng thái quá
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:41, 15/11/2020
Tâm điểm dư luận gần đây là câu chuyện liên quan tới ca sĩ Hương Giang. Dù không vướng vào một scandal cụ thể nào nhưng có lẽ sự xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình trong thời gian qua là nguyên nhân khiến hoa hậu chuyển giới bị nhiều người ghét và kêu gọi lập nhóm tẩy chay; thậm chí bạn trai của Hương Giang cũng bị liên lụy. Nhóm kín tập trung các anti-fan của cô có hàng chục nghìn thành viên. Cùng với đó, ca sĩ Thủy Tiên, người đang được dư luận chú ý vì có hoạt động cứu trợ mang tính nổi bật ở miền Trung cũng chia sẻ rằng cô cảm thấy tổn thương khi bị nhóm anti-fan công kích hoạt động thiện nguyện của mình...
Thực tế, trong thế giới giải trí, cùng với sự hình thành các fan club là sự ra đời của các nhóm anti-fan. Đó là điều bình thường ở bất kỳ nền giải trí nào. Xét ở khía cạnh tích cực, chính hoạt động tẩy chay của các nhóm anti-fan đã góp phần điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của nghệ sĩ, khiến họ phải thận trọng hơn trong lời ăn tiếng nói cũng như hoạt động. Nhờ đó, bên cạnh luật pháp, xã hội có thêm "chế tài" đối với hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, hoạt động của một số nhóm anti-fan trong thời gian gần đây khiến công chúng thấy phản cảm. Ở không ít trường hợp, hoạt động tẩy chay có vẻ hoàn toàn dựa trên cảm tính.
Một số nghệ sĩ chia sẻ, họ cảm thấy bị tổn thương, bức xúc khi anti-fan vô tư suy diễn, dùng những từ ngữ miệt thị khi nói về họ. Thậm chí, có người còn cắt ghép hình ảnh, xuyên tạc hoạt động, lời phát ngôn của họ... Và không ít ngôi sao đã phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng hoặc tìm đến tận nhà anti-fan để làm rõ mọi chuyện.
Không ai cấm việc tỏ thái độ yêu - ghét, và nghệ sĩ cũng cần lắng nghe ý kiến của công chúng để điều chỉnh cách ứng xử của mình. Tuy nhiên, đừng để việc tỏ thái độ tẩy chay trở thành trò “ném đá hội đồng”; không được đưa ra lời phát ngôn thiếu căn cứ, mang tính vu khống, xúc phạm người khác. Hoạt động tẩy chay cần phải dựa trên nền tảng văn hóa và không trái với các quy định của pháp luật.