Hội nghị quốc tế về vấn đề hồi hương người tị nạn Syria: Khởi đầu của một nền hòa bình

Thế giới - Ngày đăng : 06:43, 15/11/2020

(HNM) - Hội nghị quốc tế về vấn đề hồi hương người tị nạn Syria vừa bế mạc tại thủ đô Damacus, Syria. Theo đánh giá của các nhà phân tích, dù còn nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước song những dấu hiệu tích cực tại hội nghị lần này là bằng chứng cho thấy, sự khởi đầu của một nền hòa bình đang dần trở lại với Syria.

Hàng triệu người dân Syria tị nạn tại các quốc gia láng giềng đang cần được hỗ trợ để trở về quê hương.

Hội nghị quốc tế về vấn đề hồi hương người tị nạn Syria kéo dài trong hai ngày (11 và 12-11) với sự tham gia tích cực của Nga cùng nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế để đánh giá tình hình hiện nay tại Syria và những nỗ lực nhằm hồi hương người tị nạn. Hội nghị đã bàn thảo về một loạt các vấn đề liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho những người tị nạn Syria trở về quê hương, tháo gỡ những trở ngại do lệnh phong tỏa kinh tế của phương Tây áp đặt lên Syria, viện trợ nhân đạo, khôi phục cơ sở hạ tầng sau chiến tranh ở Syria...

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết, hiện chính quyền Damascus đang phải đối mặt với một vấn đề phức tạp khi hàng triệu người tị nạn Syria muốn trở về. Về phía Nga, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria, Alexander Lavrentiev đã thay mặt Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhấn mạnh, việc khôi phục cuộc sống hòa bình ở Syria sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương người tị nạn, đồng thời Nga sẽ hỗ trợ bằng mọi cách có thể trong việc này.

Kết thúc chương trình nghị sự, hội nghị đã ra tuyên bố chung gồm 7 điểm, trong đó khẳng định sự tôn trọng đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước Syria. Đặc biệt, tuyên bố đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương người tị nạn và người di cư tự nguyện về nơi cư trú cũng như tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Là một trong những cuộc xung đột gây tổn thất lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, cuộc xung đột bùng phát tại Syria từ năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người, hơn 1 triệu người bị thương và khoảng 6,5 triệu người rời bỏ quốc gia đi tị nạn, chủ yếu chạy sang các nước láng giềng như: Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon... Đối với những người Syria phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bạo lực và bị ngược đãi, một mái nhà, một vùng đất quê hương, một chốn trở về vẫn là những giấc mơ và hy vọng ngóng chờ từng ngày. Nhiều người dân Syria từng chia sẻ, vài năm về trước, họ còn không dám mơ đến một ngày được trở lại quê hương, song giờ thì họ đã dám đặt niềm tin vào Chính phủ Syria, vào hòa bình trên quốc gia này, dù đó không phải là điều dễ dàng.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, chi phí tái thiết Syria vào khoảng 250 tỷ USD. Trong khi đó, con số mà Chính phủ Syria đưa ra còn cao hơn, lên tới 400 tỷ USD và phải kéo dài ít nhất 15 năm. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm cho một kế hoạch tái thiết Syria thời kỳ hậu chiến, trong bối cảnh 69% người dân Syria đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực, hơn 13 triệu người cần sự trợ giúp nhân đạo và hàng triệu người bị thiếu lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm.

Sau 9 năm, dư luận có thể đặt hy vọng về một nền hòa bình đang trở lại với Syria. Ba tín hiệu tích cực nhất phải kể đến là chiến thắng của Chính phủ Syria trên thực địa, người dân Syria bắt đầu quay trở lại quê nhà và những khoản tài trợ quốc tế liên tiếp cho quốc gia này. Đặc biệt, Hội nghị quốc tế về vấn đề hồi hương người tị nạn Syria là cơ hội để Chính phủ nước này cùng các nhà hoạch định chính sách đưa ra kế hoạch cụ thể để tái thiết đất nước cũng như tạo điều kiện cho hơn 6,5 triệu người dân quốc gia Trung Đông này trở về, tham gia công cuộc xây dựng lại quê hương.

Thùy Dương