Giá thịt lợn xuất chuồng giảm: Ai hưởng lợi?

Nông nghiệp - Ngày đăng : 13:38, 15/11/2020

(HNMO) - Từ tháng 10-2020 đến nay, giá thịt lợn hơi trên thị trường cả nước có chiều hướng giảm so với những tháng trước đó. Đây là tín hiệu tích cực từ việc kiểm soát dịch bệnh và là kết quả của việc doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn. Thế nhưng, trên thực tế, mặc dù giá thịt lợn ở nơi sản xuất đã giảm, nhưng tại chợ dân sinh vẫn cao. Người tiêu dùng vẫn loay hoay với "bài toán" giá thịt lợn trong bữa ăn hằng ngày.

Giá thịt lợn ở chợ vẫn còn khá cao.

Giá thịt lợn tại các chợ vẫn cao

Giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước tiếp tục giảm, tại miền Bắc dao động trong khoảng 64.000-68.000 đồng/kg (giảm 1.000-6.000 đồng/kg so với tháng 10-2020), còn tại miền Trung và Tây Nguyên dao động trong khoảng 67.000-74.000 đồng/kg và tại miền Nam là 72.000-77.000 đồng/kg. Tuy nhiên, có một thực tế là, trong khi giá thịt lợn hơi giảm mạnh ở trang trại thì giá bán tại cơ sở giết mổ cũng như chợ dân sinh giảm không đáng kể.

Ông Đào Quang Vinh, chủ cơ sở giết mổ công nghiệp ở huyện Thường Tín thông tin: “Trung bình mỗi ngày, cơ sở giết mổ khoảng 100-150 con lợn, với giá bán móc hàm từ 95.000 đến 100.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 6-2020”. Thế nhưng, thịt lợn bán tại chợ vẫn có giá ở mức cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) cho biết, khoảng một tháng nay, giá thịt lợn tại chợ đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với túi tiền của nhiều người dân. Cụ thể, thịt ba chỉ 160.000 đồng/kg; thịt thăn, mông sấn 130.000 đồng/kg; thịt chân giò 150.000 đồng/kg, sườn thăn 160.000 đồng/kg...

Xung quanh câu chuyện về giá thịt lợn, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhận định, giá thịt lợn hơi đã giảm nhưng người chăn nuôi và người tiêu dùng đều không được hưởng lợi, mà lợi nhuận chủ yếu rơi vào bộ phận thương lái. Hiện tại, không ít trang trại chăn nuôi, doanh nghiệp không xuất hàng thẳng cho lò mổ, mà xuất cho thương lái và các công ty liên kết của họ, thậm chí đại lý cấp 1, cấp 2, sau đó mới đến siêu thị và chợ. Việc này đã tạo thêm chi phí trung gian, góp phần đẩy giá lên cao ở thị trường bán lẻ.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, một thời gian dài do mất cân đối cung cầu nên giá thịt lợn tăng cao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với việc các địa phương đẩy mạnh tái đàn (tổng đàn lợn cả nước lên tới 29 triệu con) và tăng cường nhập khẩu thịt lợn, nguồn cung cơ bản đã được bảo đảm. Vấn đề ở chỗ, thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian khiến cho giá tăng cao gần 43%. Do đó, nếu cơ quan quản lý không kiểm soát được khâu trung gian thì giá thịt lợn tại các chợ vẫn cao, người tiêu dùng vẫn không thể tiếp cận được mức giá phù hợp.

Kiểm soát chặt chẽ khâu trung gian

Để người tiêu dùng được hưởng lợi từ những nỗ lực kéo giảm giá thịt lợn xuất chuồng trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu đề xuất, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là việc niêm yết giá bán thịt lợn tại các chợ ở mức hợp lý. Cùng với đó là xử lý nghiêm các trường hợp ép giá, nâng giá bất thường, găm hàng, tạo giá tăng ảo, không để tình trạng người chăn nuôi lợn bán giá thấp nhưng người tiêu dùng lại phải mua giá cao.

Cũng về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, các ngành chức năng cần rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất nhập khẩu lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm thịt lợn trái phép cũng cần tăng cường.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông đề nghị Chính phủ xem xét đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá, từ đó có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia. Mặt khác, các doanh nghiệp phải kê khai giá, thậm chí, áp dụng các biện pháp mạnh mà pháp luật cho phép là áp giá trần và mỗi một lần tăng giá 5%, các doanh nghiệp phải báo giá với cơ quan quản lý nhà nước.

Việc giảm giá thịt lợn tại các chợ để người tiêu dùng có thể tiếp cận với mức hợp lý nhất là vấn đề không chỉ ở tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh tái đàn, bảo đảm nguồn cung, mà còn là quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình đẩy giá quá cao. Việc giảm khâu trung gian còn bảo đảm lợi ích cho người sản xuất, giúp người tiêu dùng bớt loay hoay trong mỗi bữa ăn hằng ngày. 

Ngọc Quỳnh