''Tiên học lễ...''

Giáo dục - Ngày đăng : 09:57, 16/11/2020

(HNNN) - “Mùng một lễ cha, mùng hai lễ mẹ, mùng ba lễ thầy”. Từ xưa, người thầy được đặt ngang hàng với các bậc sinh thành. Kính thầy, lễ thầy đã trở thành truyền thống của dân tộc ta, là bổn phận không thể thiếu của người học trò và gia đình họ.

Tình cảm thầy trò là điều luôn được bao lớp học sinh trân trọng. Ảnh: Vĩnh Thái

Tôi vẫn còn nhớ ngày ông ngoại đưa tôi đi xin vào lớp học vỡ lòng. Thuở ấy, ở quê ngoại tôi còn ít giáo viên lắm. Chỉ có một ông đồ già đảm nhận việc dạy vỡ lòng cho đám trẻ con trong thôn làng. Hôm đó, ông tôi mặc bộ com-lê, vốn chỉ dành cho ngày tết hay dịp lễ tiết quan trọng. Ông còn chuẩn bị một con gà trống luộc chín, đặt lên cái khay nhỏ cùng đĩa xôi hoa cau, một phong bao màu đỏ. Vừa làm, ông vừa giải thích cho tôi ý nghĩa từng món đồ mà ông sắp lễ. Sức hiểu non nớt của tôi không ghi nhận hết được những điều ông nói, nhưng tôi còn nhớ câu dạy của ông: “Lễ thầy có thể đơn giản nhưng không được qua loa sơ sài, cũng không được xa hoa lãng phí. Phải tỏ được cái tâm thành kính, biết ơn đến người thầy của mình”.

Thấy ông không dùng bao thuốc Điện Biên, thứ thuốc lá quý thời đó, mà đặt vào khay gói thuốc lào ông đã nhờ người mua về từ Tiên Lãng, tôi hỏi thì được ông trả lời: “Sự thành tâm không thể hiện ở mâm cao cỗ đầy, ở lễ vật sang trọng, mà thể hiện ở sự hiểu biết về sở thích, nhu cầu của người nhận. Ông đồ chỉ quen hút thuốc lào, thích thuốc lào Tiên Lãng. Một gói thuốc lào hợp ý ông, còn quý hơn vạn lần bao thuốc lá thơm kia”.

Xong xuôi, ông tôi bưng cái khay phủ vải điều, dẫn tôi đến nhà ông đồ, trịnh trọng đưa lễ xin ông nhận tôi vào lớp. Ông đồ cũng trịnh trọng nhận lễ, đưa lên ban thờ thắp hương khấn vái, bảo tôi vào lễ tạ. Rồi ông quay sang tiếp chuyện ông ngoại tôi, hai người trò chuyện khá lâu. Tôi đứng bên hầu chuyện, chỉ hiểu lõm bõm những gì hai ông nói, nhưng ấn tượng sâu sắc về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai người cùng làm nghề giáo, về sự trân trọng đối với nghề nghiệp hai ông theo đuổi. Cuối cùng, ông đồ đồng ý nhận tôi vào lớp học.

Lễ nhập học đầu đời của tôi đã diễn ra như thế, có phần đơn sơ nếu so với những buổi lễ nhập trường cũng như những khoản phí các phụ huynh học sinh ngày nay bỏ ra. Nhưng sự tôn trọng, kính lễ của ông ngoại tôi đối với người thầy dạy vỡ lòng của cháu mình, người về học thức, địa vị kém xa so với ông, tôi nghĩ hiếm vị phụ huynh nào ngày nay làm được. Cũng bởi thái độ ứng xử trân trọng của ông tôi, trong mắt đứa bé như tôi khi ấy, hình ảnh ông thầy đồ gầy gò, mặc bộ quần áo nâu sồng bỗng trở nên cao quý, đáng kính. Hình ảnh đó còn lưu giữ mãi trong tâm trí tôi, cho tới tận bây giờ.

Bài học đầu tiên tôi học trong đời, không phải là những chữ “o”, chữ “a”, mà là bài học về lễ phép, về cách làm người qua lần đi lễ thầy đó. Nhưng rồi, do chiến tranh, tôi không còn được ở cùng ông ngoại, không được ông dạy bảo nữa. Tôi quen dần với những lần tựu trường, quen với lớp mới bạn mới, thầy cô mới với cách giáo dục khác hẳn. Kỷ niệm lần đầu đi lễ thầy phai mờ theo năm tháng, những lời ông tôi dạy cũng bị tôi quên đi. Không có người lớn chỉ bảo, đám trẻ con chúng tôi cứ mỗi khi tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là ồn ào, nhốn nháo kéo nhau đi, hồn nhiên mua mấy món đồ xanh đỏ lòe loẹt, mấy cây dừa cuộn bằng dải phim nhựa hay mấy bức phù điêu, tượng nhỏ bằng thạch cao, mang đến biếu tặng thầy cô. Thầy trò hoan hỷ trao và nhận những món quà chẳng mấy ý nghĩa, cũng chẳng có bao giá trị sử dụng, để rồi vài hôm sau có khi đã thấy chúng góp mặt trong bãi rác thải.

Lớp học trò chúng tôi lớn lên, trưởng thành ra trường. Thay chúng tôi là các thế hệ học sinh đàn em, đàn cháu. Lệ đi lễ thầy cô vào ngày 20-11 không đổi, nhưng những món lễ vật thì đổi thay dần theo thời gian. Những món quà mang ý nghĩa kỷ niệm dần vắng bóng, thế vào đó là các loại phong bì cùng những lần gặp riêng, có khi có cả sự xin xỏ, trao đổi. Nếu để ý, có thể nghe thấy giữa tiếng ồn ĩ của đám học trò là các mẩu đối thoại: “Mày có đi nhà ông toán không? Nhà bà sử nữa?”, “Ông toán bố mẹ tao đi trước rồi”... Không biết từ bao giờ, thầy cô giáo trở thành ông nọ, bà kia trong lời trẻ nhỏ? Không biết từ bao giờ, một việc đòi hỏi sự trang trọng, thành kính lại biến thành “đi” như đi chợ, đi trao đổi một vụ mua bán?

Tự nhiên tôi nhớ đến hình ảnh trong các câu chuyện xưa, mấy anh học trò trang trọng đội trên đầu mâm đồ lễ, thành kính đi đến chúc mừng thầy của họ vào dịp lễ tết. Họ vui mừng làm sao khi được thầy nhận lễ, cũng thật sự buồn bã khi bị thầy từ chối lễ vật vì mắc lỗi lầm, sai phạm trong cách làm người. Với tôi, đó cũng là một cách dạy làm người.

Thụy Du