Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Cơ hội mới, thách thức mới

Kinh tế - Ngày đăng : 18:22, 16/11/2020

(HNMO) - Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 10 nước ASEAN và 5 đối tác, gồm: Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc ký kết ngày 15-11. Là nền kinh tế có nhiều mặt hàng thế mạnh đáp ứng nhu cầu hầu hết thành viên, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ RCEP.

Lễ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Ảnh: Cấn Dũng

Tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong khi dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, RCEP được ký kết trở thành dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước tham gia.

Một tiến trình hợp tác, liên kết cùng phát triển mới đang mở ra với 15 nền kinh tế tham gia RCEP khi tạo ra thị trường có quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD và một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Cũng từ đây tạo cơ hội cho chuỗi cung ứng mới phát triển khi các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư… được thực thi, đi kèm với các chính sách tạo thuận lợi về thương mại.

Đáng chú ý là hiệp định này thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Các khuôn khổ pháp lý ràng buộc về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... trong một “sân chơi” công bằng cũng sẽ được tạo ra trong khu vực nhờ RCEP.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích: “Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, RCEP tiếp tục thúc đẩy những cải cách của chúng ta theo hướng tiến bộ và tích cực hơn nữa. Từ đó môi trường đầu tư, kinh doanh dựa trên nền tảng của thể chế sẽ tiếp tục được cải cách và hoàn thiện. Những động lực mới để thúc đẩy cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được nâng cao”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ký kết RCEP, Việt Nam cũng như các nước ASEAN sẽ được tiếp cận với chuỗi cung ứng phát triển nhất toàn cầu tại các nước Đông Á, từ đó tạo sự thúc đẩy cho đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tạo sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Cũng từ đây, tiến trình phục hồi kinh tế được thực thi nhanh hơn cho Việt Nam cũng như cả khu vực. Hơn thế, việc mở cửa thị trường, hài hòa các quy tắc xuất xứ và tiếp tục đơn giản hóa, tạo thuận lợi hóa thương mại… chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng các mối quan hệ đối tác để tạo nên các thị trường cung ứng, tiêu thụ bền vững.

Đã xuất khẩu hàng hóa tới nhiều nước trên thế giới, song ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho biết, ông rất kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu tới nhiều nước có tính tương đồng cao trong RCEP. “Do thuế quan giảm mạnh, các thủ tục hải quan được đơn giản hóa nên luồng hàng cũng sẽ được lưu chuyển nhanh hơn giữa các quốc gia, là cơ hội để chúng tôi mở rộng thị trường tới 15 nước tham gia RCEP”, ông Minh nói.

Chủ động nắm bắt thời cơ

Cũng như các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, RCEP tạo ra những khuôn khổ mới với nhiều thuận lợi song cũng đưa ra các quy chuẩn chung mà mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp khi nhập cuộc bắt buộc phải tuân thủ. Để tận dụng tối đa các lợi thế mang lại, yêu cầu trước tiên là các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải cách thể chế để tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp với các quy chuẩn chung đã được thống nhất.

Đối với các doanh nghiệp, vấn đề tiên quyết là phải nắm vững các quy định của RCEP để có được tâm thế tốt nhất tham gia “cuộc chơi”. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Kinh tế thế giới và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), doanh nghiệp vẫn cần tập trung vào vấn đề cốt lõi là tăng cường tính cạnh tranh để tận dụng tốt nhất cơ hội của RCEP.

Đây cũng là cảnh báo của Bộ Công Thương khi cho biết, nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Trong khi đó, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt còn khiêm tốn.

Tại thị trường nội địa, khi RCEP được thực thi, hàng Việt phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu cùng nhóm từ RCEP. Đáng chú ý là hàng hóa từ người láng giềng Trung Quốc với giá cạnh tranh, phong phú về chất lượng, chủng loại là những thách thức lớn của Việt Nam và các nước tham gia RCEP. Trong khi đó, tâm lý chung của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, trong đó chủ yếu là giới trẻ, khá ưa chuộng hàng ngoại.

Nhìn nhận những thách thức cần vượt qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu chúng ta không có kỹ năng, khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các đối tác tham gia hiệp định thì doanh nghiệp Việt sẽ vừa bị ép ngay tại chính “sân nhà” vừa khó thâm nhập vào thị trường các nước tham gia hiệp định.

Do đó, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, tăng chất lượng, hàm lượng chất xám, tận dụng tính ưu việt, bản sắc riêng có của sản phẩm hàng Việt để mở rộng thị trường”.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong khi RCEP tiếp tục thực hiện các bước đi pháp lý tiếp theo thì việc thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp để nắm vững nội dung, cơ hội đầu tư mới, lộ trình thực hiện RCEP là điều cần được đặc biệt quan tâm.

Hà My