Khát vọng của nhân dân được thể hiện rõ trong Nghị quyết

Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 17/11/2020

(HNM) - Đồng chí Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội là người đã gắn bó với Thủ đô Hà Nội trong 10 năm (1991-2000). Nay dù đã ở tuổi 84, nhưng đồng chí vẫn dành trọn tình cảm, trách nhiệm và nhiệt huyết với Đảng, với đất nước, với Thủ đô. Đánh giá về Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, đồng chí Lê Xuân Tùng cho rằng, khát vọng của nhân dân đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết và giờ là lúc tập trung biến khát vọng ấy thành hiện thực.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Ảnh: Vũ Long

Đặt mục tiêu cụ thể, thuyết phục

Theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhân dân Thủ đô và cả nước hướng về với sự kỳ vọng rất lớn, mong muốn Hà Nội sẽ có bước tiến rõ ràng. Thực tế, Đại hội đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nhất là xác định được những mục tiêu để hình dung, nắm bắt được và cùng thực hiện. Nói cách khác là khát vọng của nhân dân đã được thể hiện rõ trong nghị quyết của Đại hội.

Đồng chí Lê Xuân Tùng rất tâm đắc với cách Thành ủy Hà Nội xây dựng các văn kiện trình Đại hội, mà trung tâm là Báo cáo chính trị với các nội dung đều toát lên tính khoa học và có sức thuyết phục, nhất là về các mục tiêu. Cụ thể là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Theo đồng chí Lê Xuân Tùng, những mục tiêu trên giúp người dân định lượng được sự phát triển của Thủ đô cho từng giai đoạn. Điều đáng nói hơn là những con số này đã được tính toán dựa trên những căn cứ cụ thể, có sức thuyết phục, gồm tốc độ tăng trưởng, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và năng suất lao động. “Những mục tiêu có tính toán khoa học này đem đến cho chúng ta lòng tin, nên không chỉ tôi mà dư luận nhân dân rất hoan nghênh”, đồng chí Lê Xuân Tùng nhấn mạnh.

Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Xuân Tùng nhận định, quá trình xây dựng văn kiện, nhất là xây dựng các mục tiêu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã chủ động tiếp thu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII). Với cách làm bài bản, khoa học và giàu sức thuyết phục khi xác định mục tiêu cho riêng mình như vậy, Đảng bộ Thủ đô đã đóng góp rất thiết thực cho việc xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, đồng thời là gợi ý để Trung ương bổ sung, hoàn thiện các mục tiêu với những căn cứ cụ thể, có tính định lượng hơn.

Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng cho rằng, mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 có tính khả thi cao nên phải được tập trung thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, với việc xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa, phân công Bí thư Thành ủy phụ trách chung, 4 Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng các ban chỉ đạo là rất đúng. Đây là cách đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề mũi nhọn để tập trung thực hiện. 

Theo đánh giá của đồng chí Lê Xuân Tùng, việc Đảng bộ thành phố lựa chọn 3 khâu đột phá theo thứ tự từ kết cấu hạ tầng đến thể chế và nguồn nhân lực cũng rất chính xác. Những năm qua, Hà Nội đã phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông có tính kết nối liên tuyến, liên vùng rất cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển. Do đó, việc xác định tiếp tục đột phá về hạ tầng là cần thiết, vì có hệ thống hạ tầng mạnh thì công nghiệp, thương mại mới có thể bứt phá, kéo theo nông nghiệp phát triển...

Riêng với vấn đề văn hóa, đồng chí Lê Xuân Tùng cho rằng: “Hà Nội phải đạt được mục tiêu biến lĩnh vực này trở thành nhân tố phát triển, chứ không để văn hóa đứng ngoài cuộc. Trong đó, phải xây dựng cho được người Hà Nội có văn hóa, thanh lịch, văn minh, nhân ái; hình thành con người mới của Thăng Long - Hà Nội. Kinh tế có thể đi lên, chính trị vững vàng, nhưng văn hóa có đi cùng nhịp hay không, đó là điều trăn trở, lo toan. Làm sao để Thủ đô thực sự gương mẫu, dẫn đầu cả nước về văn hóa”.

Đối với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng chí Lê Xuân Tùng cho rằng, Hà Nội cũng như cả nước phải tập trung xây dựng một nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nền nông nghiệp, trên cơ sở một số ngành công nghiệp chủ chốt.

Đồng chí Lê Xuân Tùng cũng đề nghị, không chỉ Hà Nội mà Đại hội XIII cần phải khơi dậy quyết tâm đổi mới, sáng tạo; có cơ chế để lựa chọn và bảo vệ những cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm. 

Bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ cán bộ thành phố Hà Nội hiện nay, nhất là những người đứng đầu, đồng chí Lê Xuân Tùng cho rằng, đó là những đồng chí được rèn luyện qua nhiều môi trường khác nhau, đã thể hiện được phẩm chất, năng lực; được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng. “Với những mục tiêu đúng đắn, đường lối phù hợp lại được một đội ngũ như vậy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thì chắc chắn sẽ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố thành công”, đồng chí Lê Xuân Tùng nhấn mạnh

(Còn nữa)

Võ Lâm