Thông cáo báo chí số 18 kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV

Chính trị - Ngày đăng : 18:53, 17/11/2020

(HNMO) -  Ngày 17-11, Quốc hội họp phiên cuối cùng của đợt 2 theo hình thức tập trung và cũng là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng 

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp riêng nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết, kết quả như sau:

- Về Điều 7 - Xử lý đất quốc phòng an ninh đối với các dự án hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa thoái vốn: Có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH)); trong đó, có 436 đại biểu tán thành (bằng 90,46%), 14 đại biểu không tán thành (bằng 2,90%), 6 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,24%).

- Về toàn bộ dự thảo Nghị quyết: Có 452 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,78% tổng số ĐBQH); trong đó, có 430 đại biểu tán thành (bằng 89,21%), 13 đại biểu không tán thành (bằng 2,70%), 9 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,87%).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu ý kiến và 8 đại biểu tranh luận. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau: Về sự cần thiết ban hành Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Luật; về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở; về giới hạn, phương thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm các điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ:

Thứ nhất, các ĐBQH cho rằng, việc đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, liên quan đến hệ thống chính trị ở cơ sở, quyền con người, quyền công dân, tác động đến xã hội, đời sống của nhân dân. Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề sau: Về sự cần thiết ban hành Luật; về việc nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát, tổng kết, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; về rà soát các số liệu đánh giá tác động liên quan đến số lượng người hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và số liệu liên quan đến chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm tạo nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở địa phương và cơ sở.

Thứ hai, dự thảo Luật quy định việc thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bao gồm các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể triển khai Đề án chính quy công an xã và Luật Công an nhân dân, dự thảo Luật cần bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về yêu cầu tinh gọn bộ máy, không làm phát sinh tổ chức mới, không phát sinh chi phí ngân sách; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, khi quyết định đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, xác định vị trí của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm phát huy vai trò của lực lượng này và huy động được sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng công an thực thi nhiệm vụ, không làm thay hoặc đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy và chính quyền cơ sở. Trên cơ sở đó, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải phù hợp với vị trí, tính chất và yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của địa bàn khu vực nông thôn, miền núi, đô thị, hải đảo.

Thứ ba, nội dung của dự án Luật liên quan đến nhiều văn bản quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách, kinh phí, tài chính, do đó, để tránh chồng chéo, cần rà soát kỹ lưỡng và bảo đảm tính thống nhất trong việc điều chỉnh mối quan hệ với các lực lượng quy định tại Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quốc phòng, Luật Lực lượng dự bị động viên…

Thứ tư, về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, các ý kiến đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát làm rõ các quy định về: Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với vị trí, tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, chỉ hỗ trợ công an, chính quyền, không làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân; về xây dựng lực lượng, chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế và cân đối với các lực lượng khác, không làm phát sinh gánh nặng kinh phí cho địa phương; về vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành công an, các ngành hữu quan trong việc hỗ trợ quản lý, hướng dẫn, bồi dưỡng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Có ý kiến đại biểu đề nghị cần thực hiện thí điểm và khảo sát để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội trường và thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ và báo cáo Quốc hội.

Buổi chiều

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), kết quả như sau:

- Về Điều 28 - Các tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư: Có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,47% tổng số ĐBQH); trong đó, có 445 đại biểu tán thành (bằng 92,32%), 14 đại biểu không tán thành (bằng 2,9%), 6 đại biểu không biểu quyết (bằng 1.24%).

- Về Điều 35 - Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường: Có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,47% tổng số ĐBQH); trong đó, có 445 đại biểu tán thành (bằng  92,32%), 17 đại biểu không tán thành (bằng 3,53%), 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,62%).

- Về Điều 40 - Nội dung giấy phép môi trường: Có 461 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,64% tổng số ĐBQH); trong đó, có 435 đại biểu tán thành (bằng 90,25%), 12 đại biểu không tán thành (bằng 2,49%), 14 đại biểu không biểu quyết (bằng 2,9%).

- Về toàn bộ dự thảo Luật: Có 466 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,68% tổng số ĐBQH); trong đó, có 443 đại biểu tán thành (bằng 91,91%), 16 đại biểu không tán thành (bằng 3,32%), 7 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,45%).

Nội dung 2: Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ mười. Tham dự phiên họp có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phiên bế mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy trình bày Tờ trình và Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang trình bày dự thảo Nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả biểu quyết như sau: Có 466 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,68% tổng số ĐBQH); trong đó, có 465 đại biểu tán thành (bằng 96,47%), 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,21%).

Sau đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII; đã nghe Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang trình bày dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả biểu quyết như sau: Có 464 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,27% tổng số ĐBQH); trong đó, có 460 đại biểu tán thành (bằng 95,44%), 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,41%), 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41%).

Tiếp theo, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV; đã nghe Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang trình bày dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả biểu quyết như sau: Có 457 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,81% tổng số ĐBQH); trong đó, có 454 đại biểu tán thành (bằng 94,19%), 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,41%), 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21%).

Sau đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp.

A.T