Để là ''ngọn đèn pha''
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 18/11/2020
Thời gian qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đúng với chỉ đạo của Trung ương là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp đã kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống”, “lấy xây là chính”, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát cũng góp phần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Trong đó, dấu ấn nổi bật là tham gia tích cực vào chuẩn bị nhân sự phục vụ đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội thành công về mọi mặt.
Tiếp bước những kết quả trên, nhiệm kỳ 2020-2025, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ được đẩy mạnh theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Thành ủy chủ trương tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng trách nhiệm đối với từng vị trí công tác.
Để đạt kết quả tốt, trước hết cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát. Cấp ủy phải gương mẫu thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; đồng thời thường xuyên quan tâm tạo điều kiện để Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó là tập trung kiểm tra, giám sát đối tượng là cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý, trước hết là người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như: Quản lý, sử dụng đất đai, ngân sách, đầu tư công, công tác cán bộ… Giải quyết và chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp xử lý, kết luận dứt điểm, không để tồn đọng các vụ việc, đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Một trong những công việc cũng cần được coi trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ và tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan có liên quan. Các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường cán bộ cho Ủy ban Kiểm tra các cấp. Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, phát huy năng lực cán bộ kiểm tra theo hướng chuyên sâu; có chế độ, chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ kiểm tra. Định kỳ sơ kết, tổng kết quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan có liên quan; hoàn thiện cơ chế phối hợp giám sát trong Đảng với giám sát của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân.
Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực ở cơ sở để rút ra những kinh nghiệm hay, có thể nhân rộng ra nhiều nơi.
Ngoài ra, bản thân người làm công tác kiểm tra Đảng cũng phải thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, công tâm, trong sạch, có bản lĩnh để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân giao phó, để kiểm tra thực sự là "ngọn đèn pha" của Đảng.